Sửa đổi BLHS: Tạo công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu

(PLO) - Chiều 6/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Hội đồng Thẩm định đã tiến hành thẩm định Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Căn cứ vào thực trạng quy định của BLHS hiện hành, mục tiêu và quan điểm xây dựng Dự án Bộ luật, phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS lần này được xác định là cơ bản và toàn diện. 
Dự thảo BLHS đưa ra rất nhiều nội dung mới như sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng hình phạt theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù; sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình theo hướng hạn chế quy định lẫn hạn chế áp dụng hình phạt này; bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân; sửa đổi, bổ sung quy định về quyết định hình phạt, miễn, giảm hình phạt, xóa án tích...
Trên cơ sở phạm vi sửa đổi như vậy, Dự thảo Bộ luật có tổng số 427 điều, tăng 74 điều so với BLHS hiện hành. 
Cụ thể, Phần “Những quy định chung” giữ nguyên 17 điều, bổ sung mới 26 điều, sửa đổi 61 điều (trong đó có 06 điều được tách ra từ các điều khoản của BLHS hiện hành, 20 điều sửa về kỹ thuật) và bãi bỏ 1 điều của BLHS hiện hành (Điều 65). 
Phần “Các tội phạm” bổ sung mới 20 điều, sửa đổi 300 điều (trong đó có 56 điều được tách ra từ các điều khoản của BLHS hiện hành, 48 điều sửa về kỹ thuật) và bãi bỏ 6 điều của BLHS hiện hành (các Điều 145, 165, 167, 168, 170 và 178). Phần “Điều khoản thi hành” thì bổ sung 2 điều. 
Hội đồng Thẩm định cho rằng, Dự thảo BLHS sửa đổi bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và để bảo đảm tính khả thi hơn nữa thì cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung cũng như sửa về kỹ thuật. Riêng về việc bỏ Điều 165 BLHS hiện hành quy định tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đang có hai loại ý kiến khác nhau. 
Một số ý kiến cho rằng, không nên bỏ tội danh này vì chúng ta không thể cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ tội danh này thì có những trường hợp phạm tội chúng ta không thể xử lý được và như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến khác thì tội “Cố ý làm trái…” là một tội danh rất chung, có phạm vi rộng nhưng lại không cụ thể, không rõ ràng, như một “cái túi” để có thể vận dụng xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào. Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng. 
Hơn nữa, BLHS đã cụ thể hóa khá nhiều hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế như: các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; các tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, sở hữu trí tuệ, phân phối tiền, hàng cứu trợ. 
Do vậy, nên bỏ tội danh này nhằm bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp mới 2013. 

Đọc thêm