Sửa đổi Bộ luật Tố tụng Dân sự: Cần cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng

(PLO) - Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (Bộ luật TTDS) 2011: “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án đảm bảo để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Mặc dù vậy, việc tranh tụng trong tố tụng dân sự trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Không thể tranh luận nếu thiếu chứng cứ
Bảo đảm quyền tranh luận TTDS là nguyên tắc đặc biệt quan trọng, được thể hiện xuyên suốt trong quá trình tố tụng tại toà án, từ giai đoạn thụ lý vụ án dân sự đến giai đoạn thu thập chứng cứ và xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm. Nguyên tắc này không chỉ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mà còn nhằm quán triệt các thẩm phán khi tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện để đương sự thực hiện quyền tranh luận của đương sự để ra bản án, quyết định đúng pháp luật.
Để đảm bảo quyền của đương sự trong thu thập chứng cứ, Bộ luật TTDS 2011 cũng sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Quy định như vậy song thực tế việc thu thập chứng cứ của các đương sự là rất khó, nhất là khi chứng cứ đó được lưu giữ ở các cơ quan, tổ chức. Muốn có được chứng cứ, nhiều khi đương sự phải nhờ vả, thậm chí phải chịu các khoản chi phí. 
Do đó, nhiều giải pháp được đương sự lựa chọn chính là nhờ thẩm phán xác minh, thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, nói như nhiều thẩm phán, thì ngay bản thân họ khi đi thu thập, xác minh cũng gặp những trở ngại nhất định, thông tin thu thập về nhiều trường hợp vừa chậm, vừa không đảm bảo sự chính xác.
Chứng cứ ít, thu thập lại khó khăn dẫn đến đương sự không thể tranh luận hoặc tranh luận chỉ là hình thức. Nhiều trường hợp đương sự muốn tranh luận cũng khó vì họ không biết được chứng cứ của phía bên kia. Bộ luật TTDS hiện hành chưa có quy định buộc đương sự phải sao gửi chứng cứ cho đương sự phía bên đối lập, do đó, chứng cứ bên nào có được bên ấy biết. 
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự, Tòa án khi giải quyết vụ việc cũng dễ dẫn đến khó đảm bảo sự công bằng khi mà quyền tranh luận đã bị bỏ qua hoặc thực hiện một cách chiếu lệ vì chưa có cơ chế chia sẻ thông tin, cung cấp chứng cứ giữa các bên và giữa đương sự với tòa án.
Nguyên đơn phải cung cấp chứng cứ cho bị đơn?
Sửa đổi Bộ luật TTDS, theo quan điểm của TAND Tối cao, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong TTDS là nguyên tắc quan trọng cần được thể hiện xuyên suốt trong quá trình tố tụng, từ giai đoạn thụ lý đến giai đoạn thu thập chứng cứ và xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm. 
Theo hướng này, TAND Tối cao đề nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể theo hướng quy định chặt chẽ về quyền, nghĩa vụ, thủ tục cung cấp chứng cứ, chứng minh; trách nhiệm thu thập chứng cứ là nội dung trọng tâm. Thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng phải trước khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử ở cấp sơ thẩm, trừ trường hợp có trở ngại khách quan mà không thể giao nộp chứng cứ đúng thời hạn.
Chứng cứ do đương sự giao nộp phải được đương sự chụp, sao và gửi cho đương sự khác và Viện kiểm sát cùng cấp. Khi nhận được chứng cứ từ đương sự, Tòa án chuyển bản sao, bản chụp các chứng cứ cho phía bên kia, kèm theo yêu cầu đương sự đưa ra ý kiến về việc chấp nhận hay không chấp nhận chứng cứ đó; đồng thời gửi bản sao tài liệu này đến Viện kiểm sát cùng cấp đối với những trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa hoặc có yêu cầu. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, đương sự phải có văn bản trả lời. 
Trường hợp đương sự không có ý kiến thì được xem như đã chấp nhận chứng cứ do phía bên kia cung cấp. Trong trường hợp cần phải thẩm tra lại chứng cứ mà đương sự cung cấp thì Tòa án có thể hoãn phiên toà, tổng số lần hoãn về vấn đề này đối với một vụ án không được quá 2 lần. 
TAND Tối cao cũng cho rằng, quy định bổ sung phiên họp xem xét chứng cứ để đảm bảo việc thụ lý vụ việc được công khai, minh bạch, đúng pháp luật, các bên được trình bày, được biết chứng cứ của nhau cũng như đảm bảo tính có căn cứ, sự tồn tại của quyền, lợi ích cần được bảo vệ. Phiên họp để công khai công bố các chứng cứ và xem xét các chứng cứ các bên đưa và cung cấp cho Tòa án, tại phiên họp đương sự phải có nghĩa vụ cam đoan đã cung cấp đầy đủ chứng cứ mà mình có đến thời điểm mở phiên họp để bảo vệ yêu cầu của mình. Đương sự có quyền cung cấp bổ sung chứng cứ trong quá trình xét xử sơ thẩm. Mỗi bên đương sự chỉ được quyền yêu cầu hoãn phiên tòa một lần để nghiên cứu chứng cứ mới mà bên kia đưa ra. 
Bên cạnh đó, việc cụ thể nguyên tắc tranh tụng thể hiện xuyên suốt trong quá trình tố tụng cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của người người tham gia tố tụng. Theo đó, đối với đương sự sẽ phân định rõ các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo hướng tách thành các điều luật riêng biệt và cụ thể. Đồng thời, cũng tăng cường trách nhiệm của nguyên đơn trong việc chứng minh sự tồn tại của lợi ích cần được bảo vệ lớn hơn chi phí để thực hiện việc bảo vệ, cũng như tính khả thi của thực thi nghĩa vụ của bị đơn. 
Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát, VKSND Tối cao Hoàng Thị Quỳnh Chi e ngại “quy định đương sự có chứng cứ phải sao gửi cho đương sự khác để đảm bảo các bên biết được chứng cứ của nhau là không khả thi”. Theo bà Chi, có thể quy định theo hướng đương sự nộp chứng cứ đó cho Tòa án, để đương sự phía bên kia có yêu cầu thì Tòa án sẽ cung cấp. 
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Trưởng ban soạn thảo sửa đổi Luật nhấn mạnh, dự thảo luật sửa đổi Bộ luật TTDS phải thể hiện cho được nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự. Chánh án cũng yêu cầu “phải quy định trong Bộ luật người khởi kiện phải cung cấp chứng cứ cho bên kia để biết họ kiện gì, không thì Tòa phải công khai nhưng quy trình như thế nào phải làm rõ”.
Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Bộ luật TTDS, cũng có ý kiến cho rằng nguyên tắc tranh tụng nhằm quán triệt các Thẩm phán khi tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện để đương sự thực hiện quyền tranh tụng. Về cơ bản, vẫn giữ nguyên như trước đây, chỉ sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể thể hiện nguyên tắc này tập trung về thủ tục tố tụng tại phiên tòa.
Trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện quan điểm chỉ đạo tại các Nghị quyết về cải cách tư pháp đến năm 2020 về “đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa”, đồng thời thể chế hóa quy định tại khoản 5, Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 về “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, thì việc quy định cụ thể các vấn đề về tranh tụng trong tố tụng dân sự là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cụ thể hóa nguyên tắc này đến đâu, như thế nào để đảm bảo tính khả thi là điều mà nhiều chuyên gia lưu ý.
Bảo đảm quyền tranh luận tố tụng dân sự:
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án bảo đảm để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.”
(Điều 23a Bộ luật Tố tụng Dân sự)

Đọc thêm