Sửa đổi Luật giám định tư pháp: Thuận lợi hơn cho giám định viên.

(PLVN) -Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10 tháng 6 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2021 có nhiều quy định mới thuận lợi hơn cho Giám định viên trong hoạt động.
Sửa đổi Luật giám định tư pháp: Thuận lợi hơn cho giám định viên.

Sau hơn 7 năm thi hành Luật giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, Luật này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trước những yêu cầu mới của đời sống xã hội, của hoạt động tố tụng. Trước yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp và đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10 tháng 6 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2021.

Trong đó, một trong những vấn đề đáng chú ý là để khắc phục tình trạng bất cập, rườm rà về thủ tục hành chính trong quá trình làm hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp đối với người đang là công chức, viên chức, sĩ quan trong lực lượng vũ trang, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định: “Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp." (khoản 3 Điều 8).

Do có bổ sung tổ chức giám định công lập là Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nên Luật có quy định Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn để đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc cơ quan mình và tương tự như vậy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an miễn nhiệm giám định viên tư pháp thuộc cơ quan mình cho bảo đảm nguyên tắc thẩm quyền quản lý về lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an (khoản 2 Điều 9 và khoản 3 Điều 10). 

Để góp phần bảo đảm điều kiện thuận lợi cho giám định viên trong quá trình hoạt động giám định, nhất là tham gia tố tụng với tư cách là người giám định tư pháp, Luật đã bổ sung quy định về cấp thẻ cho người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ khi miễn nhiệm với nguyên tắc: người có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì thẩm quyền cấp (cấp mới, cấp lại) thẻ giám định viên tư pháp; việc cấp thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cụ thể (khoản 4 Điều 9).

Để khắc phục bất cập về vấn đề miễn nhiệm trong quản lý đối với đội ngũ giám định viên tư pháp ở các bộ, ngành và địa phương, Luật đã bổ sung một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp trong trường hợp: (1) có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật; (2) chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp; (3) theo đề nghị của giám định viên tư pháp, nhưng đối với giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; (4) giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng không thành lập Văn phòng hoặc thành lập Văn phòng rồi mà không đăng ký hoạt động, cho cụ thể, đầy đủ và sát thực tế hơn (điểm đ, điểm e, điểm g và điểm h khoản 1 Điều 10).

Luật mới cũng bổ sung tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự. Theo đó, để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng mạnh trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng, Luật đã có quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” (tại khoản 5 Điều 12). Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, được bổ sung vào hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự. Do đó, Luật cũng đã có quy định “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn” (khoản 7 Điều 12).

Với tính chất đặc thù và thực tiễn công tác giám định tư pháp cho thấy,  việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đặt ra cho Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Để bảo đảm triển khai có hiệu quả Luật này, Bộ Tư pháp đã và đang tích cực, chủ động xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp, trong đó dự kiến đầy đủ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp , xác định cụ thể cơ quan chủ trì, phối hợp thực hiện từng nhiệm vụ tương ứng với thời gian thực hiện hoặc thời hạn hoàn thành; trong thời gian tới sẽ tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và chỉnh lý, hoàn thiện để có thể sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành và địa phương cần tổ chức triển khai nghiêm túc những nội dung công việc đã được Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là các nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện và trọng tâm như phổ biến, quán triệt về nội dung của Luật tạo nhận thức đầy đủ, thống nhất, thông suốt; tổ chức nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện…

Đọc thêm