Sức mạnh phản biện báo chí

(PLVN) - Trước khi được gửi đi dự thi Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII năm 2012, loạt bài 5 kỳ “Chứng minh nhân dân mẫu mới: Chưa “ra lò” đã phiền toái” của nhóm tác giả Võ Tuấn Anh và Phan Thanh Quý đã bàn, thậm chí bàn rất sâu và kiên trì về một vấn đề “nóng bỏng” của xã hội lúc bấy giờ, liên quan tới thẩm quyền quản lý của ngành Công an. 
Năm 2012, nhận định CMND mẫu mới là vấn đề được cả xã hội quan tâm, PLVN đã theo đuổi đề tài này với loạt bài 5 kỳ.
Năm 2012, nhận định CMND mẫu mới là vấn đề được cả xã hội quan tâm, PLVN đã theo đuổi đề tài này với loạt bài 5 kỳ.

Nhạy cảm và đụng chạm

Đúng một tháng trời, chúng tôi lăn lộn với đề tài chứng minh nhân dân (CMND) mẫu mới gây phiền toái. Giờ, lật ra xem lại, nghĩ lại vẫn thấy “lạnh sống lưng”, vì lượng thông tin quá dày, “nóng” và liên tiếp chỉ trong chừng đó thời gian.

Làm loạt bài này, chúng tôi đã được lãnh đạo Ban Biên tập, Ban Bạn đọc ưu ái về chỉ tiêu bài vở, để tập trung thông tin về vấn đề CMND. Vẫn nhớ, khi cầm tờ thống kê nhuận bút của tháng đó trên tay, anh em trong Ban đùa nhau rằng: “Tháng này ăn mỳ tôm nhá!”. Dù thế, sự hào hứng vẫn luôn có trên khuôn mặt của các đồng nghiệp sau mỗi sáng, khi từng số báo ra.

Trong một tháng trời đó, chúng tôi thường rời Tòa soạn khá muộn nhưng tới Tòa soạn rất sớm, để cà phê sáng cùng đồng nghiệp, để nghe ngóng mọi người bàn tán về loạt bài này ra sao. “Được lắm!”; “Phải theo tiếp”… các đồng nghiệp đã cổ vũ ngay từ những kỳ báo đầu tiên như thế.

Theo mạch viết, đến kỳ thứ tư, khi chúng tôi đăng bài “Đã quản vân tay lại “đòi” thêm gì  nữa?”, chứng minh rõ việc quản lý công dân không cần đề tên cha, mẹ trên căn cước, đã tạo ra sức mạnh phản biện cho cả loạt bài. Lúc bấy giờ, một số đồng nghiệp báo bạn bắt đầu gọi điện chia sẻ, hưởng ứng; nhiều bạn đọc gọi điện, gửi thư về Tòa soạn bày tỏ ý kiến đồng tình với cách đặt vấn đề của PLVN.

Tuy nhiên, sau mỗi trang báo, đặc biệt là những bài có tính phản biện xã hội như thế, đã vấp phải không ít khó khăn, với những chuyện thật khó chia sẻ cùng đồng nghiệp và bạn đọc vào thời điểm đó.

Tôi vẫn nhớ, vào khoảng 9h sáng ngày bài báo đầu tiên được xuất bản, đang trên đường tới Tòa soạn thì một nhân vật (là cán bộ công an của một quận) được đề cập trong bài, hốt hoảng gọi điện cho phóng viên: “Báo viết gì mà tôi bị sếp “triệu” lên làm báo cáo, giải trình nghe gấp gáp lắm?”.

Ngay trong ngày hôm đó, chúng tôi mang theo tờ báo đến tận nơi để xem người này bị “sếp triệu lên” vì lẽ gì. Sau đó, chính “sếp” của nhân vật này cũng đã liên lạc với chúng tôi, đề nghị được “chỉnh” lại lời mà thuộc cấp của ông đã phát ngôn trên PLVN được cho là đụng chạm, để “cứu” cả đơn vị khỏi việc “tày đình” là đã nói ngược với quan điểm, chủ trương của ngành Công an về câu chuyện CMND thời điểm đó.

Trước lời đề nghị khá bất ngờ này, với sự nhạy cảm của người làm báo, chúng tôi có một niềm tin nội tâm rất lớn rằng chủ trương CMND mẫu mới không hẳn chỉ có người dân phản đối. Vì thế, ngay ngày hôm sau, những thông tin phản hồi “đặc biệt” này tiếp tục được đăng tải trên PLVN.

“Át chủ bài” của loạt bài

Anh em báo giới quan tâm vấn đề chúng tôi theo đuổi khi đó, nói rằng “át chủ bài” của loạt này chính là ý kiến của lãnh đạo một đơn vị thuộc Bộ Công an, vì vị này đã thẳng thắn đề nghị không đề cập tên cha, mẹ trên CMND, với lý do không phục vụ được gì nhiều cho nghiệp vụ điều tra, quản lý công dân. 

Đây thực sự là tiếng nói mạnh dạn của người trong cuộc, góp phần nâng tính thuyết phục của loạt bài trước công luận, bởi ngay trong ngành Công an cũng có người không thuận với chủ trương này.

Lãnh đạo Ban Biên tập và Chi hội Nhà báo Báo PLVN chúc mừng hai nhóm tác giải đoạt hai Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII, năm 2012.
 Lãnh đạo Ban Biên tập và Chi hội Nhà báo Báo PLVN chúc mừng hai nhóm tác giải đoạt hai Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII, năm 2012.

Điều đáng nói, thoạt đầu không một ai trong số những người mà chúng tôi tiếp xúc, phỏng vấn (từ những bà mẹ đơn thân đến một số vị đại biểu Quốc hội, nhà nghiên cứu xã hội học, luật sư…) biết được chủ trương đưa thêm tên cha, mẹ vào tấm CMND mẫu mới. Phần lớn đều ngạc nhiên và có chung một câu hỏi: “Làm sao có thể như vậy được?”.

Sự phản ứng này càng chứng tỏ cho chúng tôi thấy, chủ trương này có dấu hiệu bất ổn, không chỉ làm lộ thông tin đời tư của cá nhân trên tấm căn cước, mà còn chưa chuẩn về quy trình trưng cầu dân ý, vì đó là một vấn đề nhạy cảm, liên quan tới toàn bộ người dân. Việc chọn chi tiết này để khai thác, phản biện, không chỉ giúp PLVN bám theo được dòng chảy của một vấn đề mang tính thời sự xã hội “nóng bỏng” lúc đó, mà còn là yếu tố giúp loạt bài “ghi điểm” trong mắt độc giả. 

Cứ mỗi kỳ báo, chúng tôi đều sắp xếp để một chuyên gia, nhà quản lý, người làm công tác lập pháp có uy tín, tâm huyết… xuất hiện, lên tiếng bàn luận các góc cạnh của vấn đề như: Bảo vệ quyền trẻ em; quyền bí mật đời tư công dân; trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiệp vụ quản lý tàng thư căn cước và điều tra tội phạm… Tóm lại, tất cả những người chúng tôi từng trao đổi, mời lên báo đều khẳng định bãi bỏ quy định ghi tên cha, mẹ trên CMND là cần thiết, là tôn trọng pháp luật và văn minh.  

Nhớ lại thời điểm nhận tin “chiến thắng” của loạt bài từ Thường trực Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia năm đó, ông Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nói với chúng tôi: “Chỉ tính riêng việc mời được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, giới luật học, đại biểu Quốc hội… cùng PLVN trao đổi về chủ đề này, đủ thấy loạt bài được tổ chức thực hiện công phu và có sức ảnh hưởng đến xã hội”.

Còn chúng tôi, những người thực hiện loạt bài này thì chỉ suy nghĩ giản dị rằng, báo chí nói chung và PLVN nói riêng, trong quá trình thực hiện sứ mệnh của mình, điều quan trọng nhất là phải tiếp nhận, phản ánh và phúc đáp chính xác, nhanh nhất có thể những yêu cầu của bạn đọc, của xã hội và thời cuộc. Loạt bài này trên PLVN đã được thực hiện trên tinh thần đó.

Đọc thêm