“Tái sinh” Luật Phá sản

(PLO) - Ủy ban Kinh tế Quốc hội, TANDTC và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến về một số nội dung của Dự án Luật Phá sản (sửa đổi lần 2).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản?
Luật Phá sản 2004 gồm 9 chương, 95 điều. Sau 9 năm thực hiện luật này, cả nước chỉ có 83 doanh nghiệp được “khai tử”. Điều này cho thấy Luật Phá sản 2004 vẫn còn quá nhiều bất cập. Ngày 26/11/2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xây dựng Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và TANDTC được giao trách nhiệm chủ trì thực hiện. 
Theo đó, Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi lần 1) bổ sung 3 chương, sửa đổi 73 điều, bổ sung 44 điều luật mới, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2013. Nhưng khi lấy ý kiến góp ý thì Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi lần 1) vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, mâu thuẫn và thiếu tính khả thi. Do đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến nhằm chỉnh lý và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện luật.
Cụ thể, Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi lần 2) có 14 chương, 131 điều về cơ bản sửa đổi, bổ sung toàn bộ không giữ lại điều luật nào của Luật Phá sản 2004. Tuy nhiên, tại hội thảo ngày 3/3 tại TP.HCM, các đại biểu vẫn chỉ ra nhiều mâu thuẫn, chưa hoàn chỉnh của Dự thảo Luật Phá sản đã chỉnh lý này. 
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) chỉ ra: “Tại Khoản 1 Điều 15 Dự thảo dẫn chiếu, “quyền và nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 13 của Luật này”, nhưng Điều 13 lại quy định “nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên”, không liên quan gì đến người tham gia thủ tục phá sản. 
Tương tự, tại các Điều 16, 23, 29, 30, 40 Dự thảo cũng dẫn chiếu sai điều luật. Ngoài ra, Dự thảo quy định: “Lệ phí phá sản, tạm ứng phí phá sản và phí phá sản theo quy định của pháp luật” nhưng không nêu cụ thể là quy định nào vì hiện nay luật chưa có quy định nào về các loại phí, lệ phí này.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật lần này cũng cho phép chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn trong thời hạn 3 tháng (kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu). 
Theo ông Trần Văn Sự (nguyên Phó Chánh án TAND TP.HCM), việc không thanh toán các khoản nợ đến hạn không phản ánh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và không đồng nghĩa với việc phá sản. “Đã từng có chủ nợ chỉ vì đòi 30 triệu đồng không được đã nộp đơn yêu cầu một doanh nghiệp phá sản, trong khi tài sản doanh nghiệp này còn rất nhiều. Do đó, căn cứ xác định một doanh nghiệp phá sản phải dựa vào báo cáo tài chính, bảng cân đối tài sản và công nợ trên vốn sở hữu” – ông Sự nêu ý kiến. 
Sẽ có “người quản lý tài sản phá sản”?!
Đối với quy định về người quản lý tài sản phá sản (NQLTSPS) thay thế cho tổ quản lý, thanh lý tài sản (quy định trong Luật Phá sản 2004 - bộc lộ nhiều bất cập) được đánh giá là một điểm mới có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm tranh luận, như về danh xưng gọi là NQLTSPS hay quản tài viên, NQLTSPS chịu trách nhiệm tập thể hay cá nhân, chỉ định NQLTSPS, ai là người cuối cùng có thẩm quyền chỉ định NQLTSPS.
Đặc biệt, nhiều ý kiến lo ngại khi NQLTSPS có quá nhiều quyền, liên quan đến tài sản của doanh nghiệp nhưng Dự thảo lại quy định quá đơn giản. Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) đánh giá, theo quy định của Dự thảo, NQLTSPS được xem là một nghề mới nhưng Dự thảo không quy định điều kiện xem xét cấp chứng chỉ hành nghề, trong khi để đảm đương được nhiệm vụ thì người này phải đòi hỏi có kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ cao. Vì vậy, Luật sư Hậu đề nghị quy định thêm điều kiện: “3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm định năng lực tài chính doanh nghiệp”. 
Về vấn đề này, ông Trần Văn Sự cũng băn khoăn: “Doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản rồi thì lấy đâu ra tiền để thuê NQLTSPS. Đồng thời Dự thảo Luật quy định: NQLTSPS phải thực hiện rất nhiều việc để tiến hành phá sản một doanh nghiệp nhưng lại không quy định chế tài nếu họ không thực hiện nhiệm vụ thì xử lý ra sao?”. 
Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM Phan Gia Quý cũng e ngại: “Quy định NQLTSPS được đại diện cho doanh nghiệp khi đơn vị này không có người đại diện hợp pháp sẽ khó thực hiện khi không có ủy quyền của doanh nghiệp, chẳng hạn như trong trường hợp người đại diện pháp luật bỏ về nước (doanh nghiệp có vốn nước ngoài)”… 
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết sẽ tiếp thụ tất cả các ý kiến, tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để hoàn chỉnh Dự thảo Luật.

Đọc thêm