Tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật

(PLO) -  Hôm nay (3/7), Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tổ chức Diễn đàn Pháp luật năm 2018 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật và cải cách tư pháp”. Đây là cơ hội để các đại biểu trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận, cập nhật và chia sẻ các thông tin về tình hình và kết quả thực hiện công tác cải cách pháp luật, cải cách tư pháp của Việt Nam.
Tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật

Còn khoảng trống trong thực thi pháp luật

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và và tổ chức thi hành pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thực hiện bước chuyển hướng chiến lược từ đặt trọng tâm vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính liên thông, gắn kết mật thiết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm triển khai nhiều công việc nhằm bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật của các văn bản luật khi được ban hành như đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, tăng cường công tác hướng dẫn, đẩy mạnh và phổ biến công tác, giáo dục pháp luật để đảm bảo quyền tiếp cận pháp luật của nhân dân…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu khai mạc Diễn đàn
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu khai mạc Diễn đàn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thi hành pháp luật của Việt Nam còn những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục như tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; ý thức tuân thủ pháp luật của bộ phận cán bộ, công chức và các tổ chức, cá nhân vẫn còn chưa nghiêm túc; thiếu cơ chế kiểm tra, theo dõi, tình trạng “nhờn” luật vẫn diễn ra; thiếu các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật được hiệu quả…

Tán thành với nhận định của Thứ trưởng Oanh, Quyền Phó Giám đốc USAID Việt Nam Jeremiah Carew chia sẻ, việc thực thi pháp luật ở Việt Nam vẫn còn gặp phải những khó khăn, khoảng trống; cơ chế để nhân dân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật và giám sát thi hành pháp luật chưa được phát huy, quá trình xử lý các vấn đề vẫn còn nhiều sai sót…

Đề xuất nhiều giải pháp thiết thực

Phó Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam Akiko Fujii đưa ra các ý kiến đóng góp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong công tác tổ chức thi hành pháp luật như tăng cường hợp tác quốc tế; xây dựng các văn bản hướng dẫn để nhân dân tiếp thu thông tin về luật pháp một cách hiệu quả, kịp thời; chia sẻ kinh nghiệm thực thi, thi hành pháp luật trong việc phối hợp với địa phương, các cơ quan có liên quan…

Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn nêu lên những giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy hiệu quả của công tác này như nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác tổ chức thi hành pháp luật; nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật; tiếp tục kiện toàn và đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác thi hành pháp luật; đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; đổi mới về cơ chế phối hợp trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.

   Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong công tác tổ chức thi hành pháp luật thông qua hoạt động lập pháp và hoạt động giám sát. Ông Thành kiến nghị hàng loạt giải pháp như phải xác định đúng nhu cầu điều chỉnh quan hệ xã hội, từ đó quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; cần xác định đúng vấn đề, nội dung cần điều chỉnh để bảo đảm cho việc thực hiện pháp luật trở thành nhu cầu “tự thân” của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật; xác định đúng hướng điều chỉnh và đánh giá kỹ tác động để lựa chọn được hướng điều chỉnh hiệu quả nhất. Quốc hội cũng chịu trách nhiệm giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật để bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm túc được xem xét qua việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; xem xét kết quả tổ chức thi hành luật.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh cho rằng, cần tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, đóng góp vào các công đoạn tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước. Cụ thể là tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật; theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật; tham gia hoàn thiện pháp luật thông qua việc tập hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật. Bà Thanh cũng mong muốn Bộ Tư pháp tạo điều kiện để Hội Luật gia tham gia tích cực vào công tác xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý …

Đọc thêm