Tăng cường kiểm sát ở các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện

(PLO) - Đó là đề nghị của Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tại buổi làm việc về công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp – VKSNDTC diễn ra hôm qua.
Tăng cường kiểm sát ở các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TW) Đảng; Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí; các Phó Viện trưởng: Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàm, Bùi Mạnh Cường. Về phía Bộ Tư pháp có Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Lê Tiến Châu cùng lãnh đạo của các đơn vị thuộc hai cơ quan.

Phối hợp đồng bộ, hiệu quả

Báo cáo kết quả các mặt công tác tư pháp 9 tháng đầu năm 2016, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết: Bộ Tư pháp đã chú trọng xây dựng có chất lượng các văn bản liên quan đến công tác tư pháp và hoạt động kiểm sát; đặc biệt Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với VKSNDTC trong việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Công tác thi hành án dân sự (THADS), hành chính đạt kết quả cao hơn so với năm 2015. Trong đó công tác kiểm sát có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động THADS, đặc biệt trong hoạt động quản lý nghiệp vụ THA. Qua kiểm sát đã kịp thời ban hành văn bản yêu cầu Tòa án chuyển giao đối với các trường hợp chậm chuyển, chuyển giao qua đường bưu điện nhưng bị thất lạc; chuyển giao không đúng địa chỉ đến cơ quan THA có thẩm quyền. Trong giải quyết các vụ án tồn đọng, phức tạp kéo dài, Bộ đã nhận được sự phối hợp tích cực, hiệu quả của VKSNDTC trong việc hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ về THADS, qua đó tạo được sự thống nhất trong chỉ đạo nghiệp vụ, nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp đã được xử lý, giải quyết như vụ Doximeco (Đồng Tháp), vụ Huỳnh Thị Huyền Như; Vụ Công ty cho thuê tài chính 2. 

Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật được hai cơ quan phối hợp thực hiện hiệu quả, nhất là trong việc thi hành Luật và các hiệp định về tương trợ tư pháp. Công tác phối hợp về giám định tập trung triển khai thực hiện các văn bản, đề án, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh; Bộ, VKSNDTC và các cơ quan liên quan đã thực hiện rà soát các vụ việc về bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng. Từ năm 2010 đến nay, Bộ Tư pháp đã nhận được sự phối hợp của VKSNDTC trong tổ chức, triển khai chương trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát thông qua việc cử học viên, giảng viên tham gia giảng dạy, phối hợp trong xây dựng chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó kết quả đạt được còn khó khăn: công tác xây dựng thể chế cần quan tâm phối hợp chặt hơn nữa; quan điểm liên ngành với một số vụ THA chưa thống nhất; nhiều vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá do người phải THA chống đối, chây ỳ. Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu về luật sư và hành nghề luật sư phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và quản lý nhà nước không được thường xuyên, liên tục…

Bộ Tư pháp kiến nghị: tiếp tục thực hiện tốt các quy định về phối hợp liên ngành trong THADS; tiếp tục quan tâm phối hợp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về THADS, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương; đề nghị VKSNDTC kiến nghị TANDTC chỉ đạo Tòa án các cấp kịp thời đính chính, giải thích các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành…

Chỉ đạo VKS các cấp chú trọng kiểm sát đối với các vụ THADS trong hình sự, các vụ án trọng điểm, liên quan đến thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, các vụ án tham nhũng; phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng thông tư liên tịch quy định, hướng dẫn các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế nói riêng, về căn cứ cách thức trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp nói chung…

Tiếp tục thực hiện tốt thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng…   

Tập trung những vụ việc trọng điểm trong thi hành án dân sự

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến công tác phối hợp. Tổng cục trưởng THADS Hoàng Sỹ Thành đề nghị 2 bên  phối hợp chặt chẽ trong giải quyết vướng mắc liên quan đến Luật Sửa đổi Luật THADS; tập trung kiểm sát những vụ án lớn, án tham nhũng; những địa bàn có lượng án lớn nhiều, phức tạp; cần áp dụng biện pháp kê biên, bảo đảm, truy tìm tài sản để đảm bảo phục vụ quá trình THA, nhất là các vụ án lớn.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Đặng Hoàng Oanh mong thời gian tới VKSNDTC hợp tác tích cực hơn trong triển khai thực hiện các sáng kiến trong Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN. Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến đề xuất, VKSNDTC tăng cường cung cấp thông tin của việc tham gia luật sư vào quá trình tố tụng, quan tâm vai trò của luật sư trong tố tụng, đặc biệt tranh tụng tại phiên tòa…

Đánh giá cao công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp – VKSNDTC trong thời gian qua, Viện trưởng Lê Minh Trí giao các đơn vị cấp Cục, Vụ của hai cơ quan chủ động tham mưu, đề xuất cách giải quyết. Tùy mức độ, lãnh đạo VKSNDTC sẽ chỉ đạo, giải quyết trên tinh thần thiện chí, trách nhiệm, tất cả vì hiệu quả công việc chung.Trong công tác xây dựng pháp luật, Viện trưởng nhấn mạnh, Bộ Tư pháp  là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ trong xây dựng pháp luật, có nhiều kinh nghiệm, nhiều chuyên gia tốt, nên cần có sự chia sẻ, hỗ trợ VKSNDTC, đặc biệt là xây dựng các luật về tư pháp, trước mắt là BLHS. Hai bên cũng tăng cường trong công tác THADS, tập trung những vụ việc trọng điểm, kéo dài.

Thống nhất với đánh giá của Viện trưởng Lê Minh Trí, Bộ trưởng Lê Thành Long đã ghi nhận các ý kiến của hai bên, đồng thời cam kết trong công tác xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VKSNDTC đặc biệt các việc khó, chuyên sâu, cụ thể. Bộ trưởng cũng mong muốn VKSNDTC cũng tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn, cùng với Bộ Tư pháp xây dựng, chỉnh lý các dự án luật quan trọng sẽ trình Quốc hội thời gian tới như BLHS, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi.

Riêng công tác THADS, Bộ trưởng đề nghị ngành kiểm sát tăng cường kiểm sát THADS đặc biệt ở các Chi cục cấp huyện, khi xử lý vi phạm cần cân nhắc đến nhiều yếu tố để đảm bảo tính toàn diện, hiệu quả trong THA. Trong công tác bồi thường, các đơn vị liên quan xem xét số việc bồi thường còn lại để xem khó khăn ở đâu có giải pháp giải quyết. Trong tương trợ tư pháp,  VKSNDTC tiếp tục phối hợp thực hiện các sáng kiến trong hợp tác tư pháp ASEAN. Bộ Tư pháp cũng sẽ quan tâm trong các dự án sắp tới để các đơn vị của VKSNDTC tham gia sâu, thiết thực hơn nữa vào các hoạt động hợp tác quốc tế, phục vụ sự phát triển chung và sự phát triển của mỗi ngành.

Đọc thêm