Tăng cường kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh Lai Châu

(PLVN) - Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ có tính đặc thù, phức tạp, đòi hỏi đội ngũ công chức công tác trong lĩnh vực này phải có năng lực, trình độ chuyên môn cao. 
Tăng cường kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh Lai Châu

Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là khâu quan trọng của chu trình xây dựng, thi hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hoạt động này giúp phát hiện quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. 

Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nhằm công bố Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực và các danh mục văn bản, giúp công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật hiệu quả, thuận tiện, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Các cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật
 Các cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật

Riêng trong năm 2020, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận và thực hiện tự kiểm tra 36 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành; kiểm tra theo thẩm quyền 04 văn bản QPPL do UBND cấp huyện gửi đến, qua kiểm tra các văn bản đều đảm bảo về nội dung, trình tự thủ tục theo quy định.

Bên cạnh việc tổ chức triển khai rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp mình ban hành, UBND các huyện, thành phố đều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo UBND cấp xã trong phạm vi địa bàn rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp xã ban hành. Tuy nhiên, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp xã ban hành như: nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định của UBND cấp xã về giao chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn cấp xã; nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương... là những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực thi hành theo năm.

Hiện nay, thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì các văn bản nêu trên được xác định không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì HĐND, UBND cấp xã chỉ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi được luật giao. Do đó, trên thực tế, đến nay HĐND, UBND cấp xã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới.

Đánh giá về chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng chí Lê Thanh Hải - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh trong những năm gần đây đã được nâng cao về chất lượng. Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành đã đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ và có tính khả thi. Song, cũng cần phải nghiêm túc nhìn nhận vẫn còn những văn bản được ban hành có nội dung chồng chéo hoặc không phù hợp với quy định của cơ quan nhà nước cấp trên… dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

Tuy nhiên trong quá trình rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng còn bộc lộ những khó khăn nhất định như về biên chế, tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa; cơ chế, chính sách và khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện; công chức làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn chủ yếu được bố trí kiêm nhiệm tại văn phòng, thanh tra... không ổn định, thường xuyên có sự thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. 

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ có tính đặc thù, phức tạp, đòi hỏi đội ngũ công chức công tác trong lĩnh vực này phải có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Song hiện nay chưa có bất cứ chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề nào cho công chức thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản nên không khuyến khích, thu hút, động viên được đội ngũ công chức công tác trong lĩnh vực này... 

Do vậy, theo đồng chí Lê Thanh Hải, để thực hiện hiệu quả công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo rà soát, có giải pháp điều tiết biên chế giữa các cơ quan, đơn vị hợp lý để có đủ biên chế cần thiết, ổn định thực hiện nhiệm vụ pháp chế nói chung và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành nói riêng. Đồng thời, mỗi cán bộ, công chức cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, tự nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức, trình độ… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được giao xây dựng, soạn thảo, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Đọc thêm