Tăng cường phối hợp giữa Bộ Tư pháp - Bộ GD&ĐT

(PLO) - Nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác pháp chế ngành Giáo dục và Đào tạo, chiều qua (23/6), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thống nhất ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa hai Bộ giai đoạn 2015 – 2020. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng các đại biểu tại Lễ ký kết
Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng các đại biểu tại Lễ ký kết
Tham dự lễ ký kết có các Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Phan Chí Hiếu và các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, Bùi Văn Ga, Phạm Mạnh Hùng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc hai Bộ.
Phối hợp hiệu quả trên 9 lĩnh vực công tác
Theo Chương trình, trong giai đoạn 2015 - 2020, hai Bộ sẽ tăng cường phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả 9 nội dung nhiệm vụ công tác. Cụ thể, đối với công tác xây dựng pháp luật, hai Bộ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và các chương trình, đề án, dự án có liên quan đến giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). 
Trong đó, tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. 
Trong công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, hai Bộ kịp thời trao đổi, thống nhất phương án xử lý đối với những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; phối hợp tổ chức đoàn công tác kiểm tra thực hiện VBQPPL có liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT tại các Bộ, ngành, địa phương và cơ sở GD&ĐT.
Trong công tác GD&ĐT, hai Bộ xác định một số hoạt động phối hợp rất cụ thể, gồm phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP.HCM thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật và Quyết định số 2083/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”; phối hợp trong việc thành lập cơ sở 2 Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Bắc Ninh. 
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên của các trường đại học, trung cấp luật góp phần nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ giảng viên luật. Về phần mình, Bộ Tư pháp cử cán bộ có kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ tham gia, phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng và hoàn thiện chương trình khung đào tạo trung cấp ngành pháp luật.
Thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ người làm công tác pháp chế của ngành GD&ĐT, Bộ Tư pháp hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế cho đội ngũ người làm công tác pháp chế của ngành GD&ĐT; tham gia các đoàn kiểm tra, khảo sát về công tác pháp chế với Bộ GD&ĐT; cử báo cáo viên tham gia các lớp tập huấn để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ người làm công tác pháp chế ngành GD&ĐT. 
Ngoài ra, hai Bộ còn phối hợp trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và công tác bồi thường của Nhà nước. 
Kiểm tra việc thực hiện Chương trình hàng năm
Lãnh đạo hai Bộ giao Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) là đơn vị đầu mối giúp hai Bộ trong việc xây dựng, đôn đốc, triển khai, kiểm tra việc thực hiện Chương trình và tổ chức hội thảo công tác pháp chế ngành GD&ĐT hàng năm. 
Định kỳ mỗi năm, căn cứ vào nhiệm vụ do mỗi cơ quan chủ trì tại Chương trình, hai Bộ phối hợp xây dựng Kế hoạch triển khai, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phối hợp và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm tiếp theo; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện sau 5 năm triển khai Chương trình.
Hoạt động phối hợp phải được thực hiện thường xuyên, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức. Để đảm bảo yêu cầu này, hai Bộ chỉ đạo, hướng dẫn Sở GD&ĐT, Sở Tư pháp triển khai thực hiện Chương trình. Sở Tư pháp, Sở GD&ĐT chủ động phối hợp, tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp tại địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ sự vui mừng vì hai Bộ đã thống nhất ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2015 - 2020. Bộ trưởng đánh giá, công tác phối hợp giữa hai Bộ thời gian qua cơ bản hiệu quả, nhưng vẫn còn một số mặt hạn chế. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới nên việc thực hiện tốt Chương trình, theo Bộ trưởng, sẽ hỗ trợ hai Bộ hoàn thành xuất sắc hơn nhiệm vụ chính trị mà hai Bộ được tin tưởng giao phó. 
Hai Bộ trưởng cùng cam kết nỗ lực thực hiện Chương trình một cách toàn diện, đồng thời chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Sở GD&ĐT các địa phương nghiêm túc triển khai Chương trình, đặc biệt là trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ pháp chế ngành GD&ĐT. 

Đọc thêm