Tăng cường phòng, chống tham nhũng trong thi hành án dân sự

(PLO) - Ngày 11/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTP về việc tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự. 
Tăng cường phòng, chống tham nhũng trong thi hành án dân sự
Gia tăng vi phạm chuyên môn nghiệp vụ
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành Tư pháp, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức hữu quan nên công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động, đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. 
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự vẫn chưa đạt yêu cầu. Tiêu cực trong thi hành án dân sự vẫn còn, với những biểu hiện phức tạp, xảy ra ở nhiều khâu, nhiều nội dung công việc. Tình trạng cán bộ, công chức thi hành án dân sự vi phạm phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ, tài chính - kế toán bị phát hiện, xử lý có xu hướng tăng, trong đó có một số trường hợp bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với toàn ngành Tư pháp. 
Nhằm tạo chuyển biến cơ bản công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự, góp phần thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ quán triệt nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên; Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp; những việc cán bộ, công chức không được làm; nghĩa vụ của cán bộ, công chức phải báo cáo cũng như trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp nhận, xử lý kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong đơn vị. 
Về thể chế, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định (kể cả quy định nội bộ) liên quan đến nghiệp vụ thi hành án, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản không còn phù hợp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, chồng chéo, đặc biệt là những khe hở dễ gây ra tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự.
Niêm yết công khai thủ tục, lập đường dây nóng
Chỉ thị yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm niêm yết công khai thủ tục thi hành án tại trụ sở cơ quan, tiến tới công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị về quá trình thi hành án, kết quả thi hành án để các bên có liên quan theo dõi, giám sát; thụ lý, ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với bản án, quyết định có hiệu lực thi hành; thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên trong thi hành án dân sự; nghiêm cấm thanh toán tiền mặt cho đương sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan để tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời thông tin về tiêu cực, tham nhũng liên quan đến thi hành án dân sự;  công khai họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền giải quyết công việc thi hành án dân sự cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết. 
Tất cả công chức thi hành án khi tiếp, làm việc với tổ chức, cá nhân liên quan phải đeo thẻ công chức. Việc tiếp đương sự phải thực hiện theo quy định về tiếp công dân; chỉ tiếp tại phòng tiếp công dân, phòng khách, các địa điểm do pháp luật quy định, nghiêm cấm tiếp đương sự tại nhà riêng, phòng làm việc, những nơi khác không đúng quy định. Tập trung chỉ đạo, giải quyết những vụ án lớn, phức tạp và tồn đọng. Nghiêm cấm lợi dụng việc hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ để trì hoãn, kéo dài thi hành án dân sự.... 
Bao che sai phạm cũng bị xử lý
Chỉ thị cũng nêu rõ các giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ; về lĩnh vực tài chính, kế toán và đầu tư xây dựng cơ bản; về kiểm tra, thanh tra, giám sát... Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự (kể cả những trường hợp bao che hoặc phát hiện có tiêu cực, tham nhũng nhưng không báo cáo, không có biện pháp ngăn chặn, không xử lý hoặc xử lý không triệt để), bất kể người đó là ai và ở cương vị nào; chú trọng thu hồi tài sản do tiêu cực, tham nhũng mà có; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những công chức tiêu cực, tham nhũng nhưng có thái độ thành khẩn, đã khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng. 
Người đứng đầu các đơn vị thuộc hệ thống Thi hành án dân sự (Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng, Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự) chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại các đơn vị, bộ phận, lĩnh vực do mình phụ trách, liên đới trách nhiệm đối với lĩnh vực do cấp phó của mình phụ trách. 
Cấp phó của người đứng đầu các đơn vị thuộc hệ thống Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại các bộ phận, lĩnh vực do mình trực tiếp phụ trách. Chấp hành viên chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng của công chức giúp việc đối với hồ sơ vụ việc do mình phụ trách thi hành.
Công chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự; cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải xử lý nặng; trong trường hợp bị kết án về hành vi tiêu cực, tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì bị buộc thôi việc. Công chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng bị kỷ luật chưa đến mức buộc thôi việc thì bố trí sang làm nhiệm vụ khác trong thời hạn ít nhất 02 năm. Không xét thi đua, khen thưởng đối với các đơn vị có công chức bị xử lý vi phạm kỷ luật do tiêu cực, tham nhũng trong 01 năm.

Đọc thêm