Tăng thực quyền cho nhân dân tại cấp chính quyền địa phương

(PLO) -Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại buổi thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách trực tuyến với 63 tỉnh, thành hôm qua 16/4.
Phân định chính quyền đô thị và nông thôn
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vẫn giữ 2 phương án về tổ chức cấp CQĐP. Trong đó, đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ đồng tình với phương án tổ chức cấp CQĐP (gồm HĐND và UBND) tại tất cả các đơn vị hành chính quy định tại Khoản 1 Điều 110 Hiến pháp 2013, nhưng làm rõ những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP ở nông thôn, đô thị và hải đảo…
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: “Mô hình này bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, không làm xáo trộn mô hình tổ chức CQĐP hiện nay; đáp ứng yêu cầu phải có sự kiểm soát của HĐND đối với UBND các cấp; bảo đảm cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải được giám sát bởi cơ quan do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra và thể hiện chính quyền đó gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân…”.
Theo ĐB Phạm Ngọc Tuấn (Đồng Nai), mô hình này thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức CQĐP ở các đơn vị hành chính đó và cũng phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị theo ngành dọc hiện nay của nước ta. 
Ông Phan Trung Lý phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Hà Dung
Ông Phan Trung Lý phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Hà Dung
ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) thấy rằng, phương án này là phù hợp với thực tiễn, không trái Hiến pháp và đề nghị đầu tư nghiên cứu để bổ sung các quy định khác biệt về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ giữa chính quyền TP đô thị với chính quyền ở khu vực nông thôn. 
Thay đổi chức năng để phát huy hiệu quả
UBTVQH cũng để “ngỏ” thêm phương án tổ chức cấp CQĐP (gồm HĐND và UBND) ở các đơn vị hành chính, trừ phường do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp CQĐP, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của CQĐP tại phường.
Với ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), cả 2 phương án đều chưa hoàn hảo: “Phương án 2 chưa đảm bảo tính gọn nhẹ, còn phương án 1 như mô hình hiện nay nếu không khắc phục được những hạn chế, bất cập cũng không đảm bảo phát huy tính hiệu quả của cấp CQĐP”. 
Bên cạnh đó, một số ĐBQH cho rằng, số lượng đại biểu HĐND hiện nay “đông nhưng chưa mạnh”, hoạt động của HĐND, nhất là cấp huyện và cấp xã hiện nay vẫn mang tính hình thức, nên Dự thảo Luật cần phải có các quy định để khắc phục như tăng ĐB chuyên trách, quan tâm tổ chức bộ máy con người, chọn lựa ĐB tâm huyết, có năng lực để tăng cường hiệu quả hoạt động của HĐND… như ý kiến được ông Nguyễn Đình Bích - Phó Chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng nêu. 
Chỉ ra 5 vấn đề tồn tại mà Dự thảo Luật Tổ chức CQĐP, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) cần phải giải quyết trong mô hình tổ chức CQĐP, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị nếu giữ nguyên bộ máy hành chính như hiện nay thì phải thay đổi chức năng.
 ĐB này gợi mở phương án “mạnh dạn tổ chức CQĐP 2 cấp hoàn chỉnh: cấp tỉnh và cơ sở, trong đó chú trọng tăng quyền cho cấp cơ sở, tăng thực quyền cho nhân dân, còn chính quyền cấp huyện, quận ở vị trí trung gian để tổ chức nền hành chính”. 
“Nền hành chính của chúng ta hiện nay thống nhất về nguyên tắc nhưng không đồng nhất về bộ máy. Vấn đề của Dự thảo Luật là phải làm sao có chính quyền Trung ương (T.Ư) mạnh, Chính phủ thống nhất những việc thuộc Chính phủ, không xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe” nhưng phải nâng tầm địa phương, để địa phương quyết định, T.Ư không can thiệp mà T.Ư chỉ kiểm tra xem có vi phạm lợi ích quốc gia, lạm quyền hay không” – ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM).

Đọc thêm