Tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động tống đạt của Thừa phát lại

(PLO) - Đó là một trong những nội dung được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu nhấn mạnh tại cuộc họp thẩm định Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (TPL) diễn ra sáng qua (8/3) với sự tham dự của đại diện nhiều đơn vị trong và ngoài Bộ.
Tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động tống đạt của Thừa phát lại

Ngoài việc tống đạt văn bản của cơ quan Tòa án, cơ quan thi hành án, Dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng phạm vi tống đạt của TPL theo hướng TPL được tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trên phạm vi toàn quốc và tống đạt văn bản theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm đốc thúc thực hiện nghĩa vụ pháp lý trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng TPL.

Đối với việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp sẽ lựa chọn một hoặc một số Văn phòng TPL để thực hiện tống đạt thông qua hình thức đấu thầu và ký hợp đồng. Sau khi văn bản của cơ quan có thẩm quyền gửi tới, Bộ Tư pháp sẽ chuyển văn bản đó tới Văn phòng TPL được lựa chọn để tống đạt thay vì chuyển qua TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như hiện nay. Bộ Tư pháp sẽ quy định cụ thể thủ tục tống đạt và mức chi phí tống đạt, việc trả chi phí tống đạt.

Đánh giá về quy định này, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp cho rằng việc cho phép TPL tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu từ nước ngoài không chỉ giúp phát huy mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa mà còn giảm tải nhiều công việc cho Bộ Tư pháp cũng như các cơ quan nhà nước khác. Tuy nhiên, có nên chăng quy định mức chi phí tối thiểu, tối đa trong việc tống đạt để tạo thuận lợi cho TPL hoạt động?

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định cụ thể đối với việc tống đạt văn bản theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm đốc thúc thực hiện nghĩa vụ pháp lý được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa Văn phòng TPL với cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

Mức chi phí tống đạt được quy định theo từng nhóm cụ thể bao gồm: chi phí tống đạt văn bản do Tòa án, cơ quan thi hành án yêu cầu thực hiện theo mức do nhà nước quy định như hiện nay; chi phí tống đạt văn bản do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài yêu cầu, Bộ Tư pháp sẽ quy định một mức cụ thể; chi phí tống đạt văn bản do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu sẽ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa Văn phòng và cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đinh Văn Lộc, để TPL có thể phát huy tối đa được năng lực và thực hiện việc tống đạt một cách thuận lợi thì cần gỡ điểm nghẽn trong vấn đề ràng buộc với các cơ quan như Tòa án, Viện kiểm sát. Để làm được điều này, cần tạo hành lang pháp lý chặt chẽ như sớm ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp – TANDTC – VKSNDTC về hoạt động của TPL để đội ngũ này có thể thực hiện tốt công việc của mình. Bên cạnh công tác phối hợp, đại diện TANDTC đề xuất khi có quyết định tạm đình chỉ hành nghề hoặc miễn nhiệm TPL thì cần có văn bản gửi cho Tòa án để các cơ quan này biết và không gửi văn bản cho TPL này tống đạt nữa.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Lê Tiến Châu yêu cầu việc xây dựng Nghị định phải đảm bảo tính đồng bộ và khả thi, các quy định cần đánh giá đúng được sự phát triển và tác động của TPL đến các thể chế khác, đặc biệt là mức độ tác động cụ thể tới công tác thi hành án.

Thứ trưởng cũng nêu rõ, tống đạt là công việc có tính chất quyền lực, khác với việc đưa, chuyển tài liệu, hồ sơ, giấy tờ đơn thuần nên cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phù hợp tính chất công việc tống đạt, đồng thời cũng cần rà soát, chỉnh sửa bổ sung để phù hợp với các quy định về tố tụng.

Đọc thêm