Tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

(PLO) - Hôm nay 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017. Đây là dịp để ngành Tư pháp cùng nhìn lại những kết quả đạt được, xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện công tác tư pháp đến hết năm 2017 đảm bảo bám sát các Chương trình, Kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Hà Nam tháng 9/2016.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Hà Nam tháng 9/2016.

Nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành 

Ngay từ đầu năm 2017, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác để triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, luôn bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức triển khai công việc theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, sát với điều kiện thực tế.

Toàn Ngành được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm (đã hoàn thành 37/40 nhiệm vụ có thời hạn 6 tháng đầu năm, đạt 90,25%) và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Một số mặt công tác có kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và chỉ đạo sát sao, việc hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành đạt nhiều kết quả tích cực; việc triển khai thi hành pháp luật, nhất là các luật có hiệu lực từ đầu năm và có hiệu lực từ ngày 01/7/2017, được thực hiện bài bản hơn; kết quả thi hành án dân sự (THADS) tăng khá cao cả về việc và về tiền;

Công tác đăng ký và thống kê hộ tịch đi vào nền nếp, kịp thời giải quyết yêu cầu của người dân và ngày càng được hiện đại hoá; các địa phương đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu cấp Phiếu LLTP của người dân và cơ bản khắc phục tình trạng chậm cấp Phiếu; kết quả hoạt động công chứng, đấu giá tài sản tăng cao so với cùng kỳ 2016; công tác cải cách hành chính được quan tâm, Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ được cải thiện. 

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017 vẫn còn một số hạn chế: Một số nhiệm vụ liên quan đến kiện toàn tổ chức, cán bộ, tinh giản biên chế vẫn chỉ đang trong quá trình chuẩn bị; Một số bộ, ngành địa phương vẫn còn lúng túng trong thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Số lượng văn bản “nợ đọng” quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn khá nhiều, nhất là các bộ, cơ quan ngang bộ, khó bảo đảm mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng từ năm 2017;

Một số địa phương vẫn chưa chuyển đổi xong văn phòng công chứng từ một thành viên sang hai thành viên hợp danh trở lên theo quy định, việc chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng còn nhiều vướng mắc; trong công tác THADS, số việc và tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong chuyển sang kỳ sau vẫn còn rất lớn, một số địa phương có kết quả thi hành án đạt thấp so với bình quân chung toàn quốc…

Chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm

Trên cơ sở sơ kết những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện công tác tư pháp 6 tháng đầu năm; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm 2017 và các văn bản chỉ đạo về bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, Bộ, ngành Tư pháp xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2017. Theo đó, toàn Ngành tiếp tục thực hiện tốt 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định từ đầu năm và tập trung nguồn lực thực hiện.

Bộ Tư pháp cũng xác định các giải pháp chủ yếu. Trước hết, căn cứ các chỉ tiêu nhiệm vụ theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục cụ thể hoá và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ. Trong đó, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ thể chế hoá các nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, thứ năm, khoá XII của Ban Chấp hành Trung ương; các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 theo Nghị quyết số 23/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQCP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.

Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành; chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm. Gắn việc chỉ đạo triển khai với việc phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra; thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; xử lý vi phạm; thi đua, khen thưởng, bảo đảm linh hoạt, kịp thời. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan tư pháp, THADS các cấp. 

 Áp dụng đồng bộ các giải pháp để tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành. Thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác. Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tạo động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2017.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ với các cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường sử dụng hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện trong tổ chức các cuộc họp, nâng cao hiệu quả các cuộc họp, tiếp tục giảm số lượng cuộc họp; mở rộng áp dụng chữ ký số trong trao đổi, xử lý các văn bản nội bộ. 

Đọc thêm