THADS đã dốc sức thực hiện Nghị quyết 37

(PLO) - “Ra được một bản án đúng pháp luật đã khó, để bản án đó được thi hành trên thực tế còn khó hơn vì việc thi hành án lúc đó không còn phụ thuộc vào ý chí của các cơ quan nhà nước mà phụ thuộc vào việc đương sự có khả năng thi hành hay không” - ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trao đổi với PLVN bên hành lang Quốc hội cuối tuần qua. 
Ông Hồng nhận định, Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác tư pháp sau thời gian thực hiện có thể nói đã tạo sự chuyển động trong toàn bộ các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Thi hành án dân sự (THADS). Ủy ban Tư pháp tại báo cáo thẩm tra trước Quốc hội về công tác này cũng đã chỉ rõ những nỗ lực của các cơ quan THADS, mặc dù chưa hoàn thành chỉ tiêu về việc, về tiền tính theo tỷ lệ phần trăm theo Nghị quyết 37 nhưng về giá trị tuyệt đối đã giải quyết xong số việc và tiền cao hơn so với năm 2012. Đi khảo sát ở nhiều địa phương về công tác này, tôi cho rằng để thực hiện Nghị quyết 37, các cơ quan THADS đã gồng mình, dốc sức và nỗ lực rất lớn.
Thưa ông, được biết trong các chuyến đi khảo sát, ông cũng từng nhiều lần lưu ý địa phương về công tác phân loại án để tránh việc biến án có điều kiện thành không có điều kiện thi hành?
- Tôi luôn lưu ý những gì thuộc về lỗi chủ quan thì phải cố gắng tối đa để khắc phục. Ví dụ như chuyện chậm ra quyết định THA hay không đi xác minh, hồ sơ THA lập chưa đúng trình tự, thủ tục, lỏng lẻo..., đặc biệt là việc phân loại án phải đảm bảo sự chính xác, nếu không ranh giới từ việc có điều kiện sang không có điều kiện là rất mong manh, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên, dễ gây khiếu kiện.
Phân loại án không chính xác do nhiều nguyên nhân: có thể do trình độ nhận thức, nghiệp vụ non, do cẩu thả hoặc lơ là, thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ có tiêu cực. Vì thế, tôi nói phải khắc phục ngay những hạn chế thuộc về lỗi chủ quan.
Thảo luận ở Tổ về công tác tư pháp, ông cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm sát với THADS, có phải đây là một kênh dễ phát hiện tiêu cực?
- Thực ra, một trong những kiến nghị của Chính phủ về công tác THADS cũng đã đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm sát hoạt động THA... của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có VKSND. Sau khi có  Nghị quyết 37, các cơ quan tư pháp đã tập trung làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Kiểm sát công tác THA cũng đi vào nền nếp, chặt chẽ hơn… Các ngành tố tụng cũng đã ban hành Quy chế phối hợp. Đây là những điểm nhấn quan trọng nhằm tăng cường công tác phối hợp, trong đó có giám sát để phát hiện những sai lầm. Từ đó có thể góp ý, kiến nghị, thậm chí kháng nghị để tốt hơn.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ kiểm sát THA hiện cũng còn mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm cho chỉ tiêu. Do đó, với số lượng án dân sự lớn như hiện nay thì không thể kiểm sát hết, mà chỉ làm theo xác suất, mà xác suất thì có thể phản ánh chính xác hoặc không. Vì vậy, cần phải tăng cường sự phối hợp, cũng giống như sự phối hợp, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Công an, Tòa án, các tổ chức đoàn thể... trong công tác THA. Đặc biệt, trong các vụ việc phức tạp, liên ngành phải chặt chẽ, nếu THA “đơn thương độc mã” là không thể thi hành được.
Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm