THADS Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ giải quyết án tín dụng ngân hàng

(PLVN) -Cục THADS Thanh Hoá và Ngân hàng Nhà nước Thanh Hoá đã thống nhất một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động Tín dụng ngân hàng.
THADS Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ giải quyết án tín dụng ngân hàng

Thực hiện Quy chế số 01/QCPH/NHNN - THADS ngày 16/10/2015 về việc phối hợp giữa Ngân hàng NN - Chi nhánh Thanh Hóa và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa trong công tác thi hành án dân sự; nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng nói chung và nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbak) - Chi nhánh Thanh Hóa nói riêng. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi làm việc với Vietinbank - Chi nhánh Thanh Hóa tiến hành bàn biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc liên quan đến Vietinbank - Chi nhánh Thanh Hóa.

Tại buổi làm việc hai bên thống nhất một số nội dung: Về phía Cục THADS Thanh Hoá thì các vụ việc không có khó khăn, vướng mắc các đơn vị đang thụ lý và tổ chức thi hành án phải triển khai thực hiện ngay các thủ tục pháp lý, định ra thời gian cụ thể để hoàn thành các vụ việc, đặc biệt là các vụ việc Chấp hành viên chưa tiến hành kê biên tài sản. Đối với các vụ việc có khó khăn, vướng mắc đã được thảo luận trong buổi làm việc về phương pháp, cách thức giải quyết yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc.

Ngoài các vụ việc các đơn vị đang tổ chức thi hành, dự tính sẽ phát sinh các vụ việc mới, khi phát sinh yêu cầu các đồng chí Chi cục trưởng phải chỉ đạo các chấp hành viên tổ chức thực hiện ngay, nếu có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo vè Cục đồng thời phải đề xuất phương án xử lý để Cục phối hợp với ngân hàng công thương bàn biện pháp giải quyết. Tập trung chỉ đạo điểm một số vụ việc có giá trị thi hành lớn, các vụ việc mà tài sản bảo đảm ở nhiều nơi.

Đặc biệt là các vụ việc có tài sản ở các tỉnh khác ngoài địa bàn cần phải xử lý nhanh, đúng pháp luật đối với tài sản trong tỉnh để thực hiện việc ủy thác theo quy định đến các cơ quan thi hành án dân sự thuộc tỉnh khác; và kể cả tài sản trong tỉnh nhưng có ở nhiều địa bàn cấp huyện khác nhau, nếu xét thấy phải ủy thác thì phải triển khai ngay để kịp thời ủy thác cho các đơn vị nhận ủy thác để có thời gian xử lý. Các cơ quan THADS trong tỉnh ngoài việc báo cáo về Cục thì phải kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các vướng mắc cụ thể trong quá trình tổ chức thi hành các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng cụ thể để giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Về phía ngân hàng, lãnh đạo cục THADS Thanh Hoá đề nghị ngân hàng nhà nước Thanh Hoá;  Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại nói chung và Vietinbank - Chi nhánh Thanh Hóa nói riêng trên địa tỉnh cần phối hợp với cơ quan THADS trong việc tiến hành rà soát các vụ việc thi hành án, lập kế hoạch để tổ chức thực hiện xử lý các vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra việc triển khai. Tiếp tục phát huy tốt hơn nữa trong vai trò đầu mối  trong việc tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh liên quan đến THADS trong hoạt động tín dụng, ngân hàng nói chung và ngân hàng công thương nói riêng.

Cần cẩn trọng hơn nữa trong việc ra quyết định cho vay, ký kết Hợp đồng tín dụng; khi nhận tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất cần phải cân nhắc, tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan THADS trong việc rà soát và tổ chức thi hành án, đẩy mạnh phối hợp trong công tác xác minh, thông báo thi hành án, kê biên và thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, cung cấp đầy đủ các thông tin và các tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp để việc xử lý tài sản được nhanh chóng, đảm bảo đúng quy định pháp luật; kịp thời phản ánh các khó khăn vướng mắc để được hướng dẫn giải quyết. Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra.

Đồng thời, nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì  cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định có tính khả thi (nhất là đối với các loại việc công nhận hòa giải thành).

Đọc thêm