Tham mưu bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị cho 'trúng'

(PLO) - Hôm qua (18/1), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác cán bộ năm 2017. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc dự Hội nghị triển khai công tác hợp tác quốc tế và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu dự Hội nghị triển khai công tác của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Tham mưu bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị cho 'trúng'

Thực hiện điều động cán bộ để phát huy năng lực

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Đỗ Kiên cho biết, năm 2016, các mảng công tác cán bộ được triển khai đồng bộ, tuân thủ quy định của pháp luật và có sự đổi mới nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Năm 2016 là năm đánh dấu bước chuyển giao căn bản về thế hệ lãnh đạo cấp Bộ. Vụ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, hoàn thiện Hồ sơ giới thiệu 03 đồng chí ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, Hồ sơ giới thiệu chức danh Bộ trưởng để Quốc hội khóa XIII phê chuẩn, tham mưu giúp Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ hoàn tất hồ sơ, thủ tục trình Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 02 Thứ trưởng. Bên cạnh đó là tham mưu thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với 17 đồng chí lãnh đạo cấp Vụ...

Trong năm 2017, công tác cán bộ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ như tập trung xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến đề án, thể chế tổ chức ngành Tư pháp; triển khai Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; rà soát đánh giá đội ngũ cán bộ, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ, lãnh đạo, quản lý giao đoạn 2016-2020; đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận, trao đổi về các giải pháp nhằm đổi mới công tác cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện tốt nhiệm vụ của Bộ, ngành.

Điểm lại một số kết quả nổi bật, Bộ trưởng Lê Thành Long còn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ. Trong đó, Bộ trưởng đề cập một số nội dung là tham mưu công tác cán bộ còn tình trạng nể nang; công tác đào tạo, bồi dưỡng còn dàn trải; ứng dụng công nghệ thông tin chưa mạnh mẽ...

Đối với nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng yêu cầu cần xác định rõ ưu tiên, đồng thời đề nghị ngay sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp được Chính phủ ban hành, cần rà soát lại toàn bộ đội ngũ lãnh đạo cũng như thực hiện điều động cán bộ để phát huy năng lực.

Bộ trưởng chỉ đạo, Vụ cần tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị cho “trúng” để thực sự xứng đáng gánh vác nhiệm vụ của Bộ, ngành. Bên cạnh đó, cần phân bổ biên chế cho các đơn vị trên cơ sở Đề án vị trí việc làm, rà soát lại các đầu công việc của các đơn vị để điều chỉnh biên chế và thực hiện nghiêm túc quy hoạch cán bộ. Bộ trưởng cũng đề nghị không đào tạo dàn trải mà chú trọng trọng tâm, trọng điểm, đổi mới cách làm. 

Phải luôn tỉnh táo, linh hoạt trong hợp tác quốc tế

Đây là lưu ý của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tại Hội nghị triển khai công tác hợp tác quốc tế. Thứ trưởng cho rằng, hợp tác quốc tế là một lĩnh vực nhạy cảm, do vậy trên cơ sở những mục tiêu, định hướng cụ thể đòi hỏi người làm công tác hợp tác quốc tế cần có những nguyên tắc công khai, minh bạch, đề cao an ninh đối ngoại, luôn luôn tỉnh táo, linh hoạt, khéo léo xử lý, đưa ra những tham mưu phù hợp nhất để hướng tới những kết quả tốt đẹp, bền vững phục vụ cho lợi ích của quốc gia.

Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động hợp tác quốc tế, tập trung kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế theo hướng chuyên nghiệp hóa cho phù hợp với yêu cầu công tác, nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp...  

Thứ trưởng cũng ghi nhận và biểu dương những thành tích đạt được trong công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và đối ngoại của Bộ năm 2016 mà Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Đặng Hoàng Oanh đã báo cáo Hội nghị. Theo đó, Vụ đã có những đóng góp cụ thể vào thành tựu chung của Bộ trong thời gian qua trên tiêu chí công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật được tập trung theo hướng coi trọng thực chất, hiệu quả và bảo đảm sự kế thừa bền vững trong hoạt động hợp tác quốc tế. Vụ chủ trì nghiên cứu, xây dựng 12 văn bản, đề án; giúp Bộ triển khai việc đàm phán 28 điều ước, thỏa thuận, chương trình, kế hoạch hợp tác với các đối tác. 

Năm 2016 cũng là năm đánh dấu bước đột phá trong hợp tác pháp luật và tư pháp Việt – Lào, đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Chỉ trong vòng 01 năm, hai bên đã tiến hành trao đổi 08 đoàn công tác và 09 lượt cán bộ được cử sang thăm và làm việc tại Lào và Việt Nam.

Hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc đàm phán, xây dựng văn kiện Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam. Đặc biệt, Vụ tham mưu giúp Bộ trình Chính phủ thông qua Nghị quyết số 77/NQ-CP về việc gia nhập Tổ chức Quốc tế về Luật Phát triển (IDLO) và giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam trong quan hệ với IDLO và Lễ gia nhập đã được tổ chức tại Hội nghị thường niên các quốc gia thành viên của IDLO vào ngày 29/11/2016. 

Kịp thời, thận trọng, chính xác, quyết liệt

Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Nguyễn Thị Thu Hòe, trong năm 2016, với tinh thần nỗ lực, trách nhiệm, chủ động, quyết tâm, Cục cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra tại kế hoạch năm, tiếp tục tạo được chuyển biến mới, tích cực, hiệu quả trên các lĩnh vực công tác được giao.

Nhưng cạnh đó còn tồn tại một số hạn chế nên năm 2017, Cục xác định tăng cường kịp thời, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các bộ, ngành, địa phương trong các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; tiếp tục triển khai có chất lượng các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Cục Kiểm tra VBQPPL”...

Chia sẻ những khó khăn trong công tác năm 2016 của Cục, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành rất phức tạp, tính chất công việc của Cục là đi “bắt lỗi” người khác nên rất nhạy cảm... trong khi đội ngũ cán bộ còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, Thứ trưởng vui mừng vì Cục có nhiều đổi mới trong hoạt động như chú trọng xây dựng hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác của Cục; mạnh dạn kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy; biết chọn trọng tâm, trọng điểm trong công tác chỉ đạo, điều hành; cải thiện không khí làm việc trong Cục theo hướng dân chủ, công khai..., nhờ vậy đạt được kết quả cụ thể.

Nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra văn bản hiện nay, Thứ trưởng cho rằng, trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 phải có điểm nhấn là tập trung mạnh vào khâu xử lý, phát hiện được những văn bản sai thì phải xử lý để tạo sự nghiêm minh, không gây ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, đất nước.

Đồng thời, hết sức chú trọng công tác tham mưu quản lý nhà nước về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cho pháp chế các bộ, ngành, địa phương. Phương châm mà Thứ trưởng nêu cho công tác kiểm tra VBQPPL là “Kịp thời, thận trọng, chính xác, quyết liệt”. Cụ thể là, vào cuộc kịp thời, xem xét thận trọng, kết luận chính xác, xử lý quyết liệt. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục tích cực tham gia có chất lượng vào hoạt động xây dựng pháp luật, thẩm định VBQPPL.

Đọc thêm