Thận trọng khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân

(PLO) - Có nên đưa vào quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các đại biểu trong phiên họp Ban soạn thảo Dự án Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi chiều qua (2/1). Phiên họp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban soạn thảo chủ trì.
Thận trọng khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Trình bày Dự thảo báo cáo tổng kết thi hành BLHS, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính - Hình sự Nguyễn Văn Hoàn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tổng kết thi hành BLHS thời gian qua cho thấy đã bộc lộ nhiều bất cập. Bất cập từ chính các quy định của Bộ luật, bất cập từ việc hướng dẫn thi hành chậm; các cơ quan tiến hành tố tụng dù đã có nhiều cố gắng trong phối hợp nhưng nhiều nơi chưa chặt chẽ, nhận thức còn khác nhau, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý vụ án. Một số quy định của các văn bản pháp luật liên quan (nhất là Bộ luật Tố tụng Hình sự) cũng còn nhiều mâu thuẫn…
5 định hướng lớn trong sửa đổi BLHS lần này là thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân; thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triền nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tăng cường hợp tác quốc tế; hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự; đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở trách nhiệm hình sự, khắc phục những hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. 
Trong đó, đáng chú ý là sẽ sửa đổi theo hướng quy định hình sự trách nhiệm của pháp nhân. Theo đó, xác định rõ chính sách xử lý hình sự đối với các pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội; những loại tội phạm nào thì pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự; các chế tài áp dụng. Trước mắt, theo Tổ biên tập, cần nghiên cứu, cân nhắc theo hướng chỉ đặt vấn đề chịu trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế, đồng thời nghiên cứu bổ sung các hình phạt áp dụng đối với loại pháp nhân này cho phù hợp hơn.
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn băn khoăn: “Có nên đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân hay không vì suy cho cùng, trách nhiệm hình sự là cá thể hoá”. Phó Viện trưởng lưu ý phải thận trọng nếu không “đặt ra nhiều khi là hình thức”. 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu đồng tình: Việc xử lý với pháp nhân vi phạm hiện đã có phạt tiền (mức phạt đã được nâng lên theo Luật Xử lý vi phạm hành chính mới),  rút giấy phép hoặc giải thể, người có trách nhiệm cũng có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự… Như vậy đã có đầy đủ cơ chế xử lý nên theo Phó Chủ nhiệm: “Chưa nên đưa vào quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thì chỉ rõ thực tế việc xử lý với pháp nhân hiện đang gặp nhiều vướng mắc, nhiều việc cụ thể xảy ra nhưng “chẳng ai chịu trách nhiệm” và lưu ý cần cân nhắc kỹ hơn về vấn đề này.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý việc tổng kết phải khách quan, đầy đủ, toàn diện nhưng khái quát rõ nét nhất về kết quả, đặc biệt tập trung đánh giá nguyên nhân của những bất cập, hạn chế từ đó để có những đề xuất sửa đổi hợp lý.
Do đây là Dự án luật quan trọng nên Bộ trưởng nhấn mạnh “phải xây dựng Bộ luật mới có tuổi thọ lâu dài”. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu rà lại các quy định của Hiến pháp mới có hiệu lực có tác động đến sửa đổi BLHS. Bộ trưởng cũng gợi ý, cùng với Dự án Luật sửa đổi, nên có một số đề án kèm theo, ví dụ đề án hạn chế quy định hình phạt tử hình; hay đề án về  trách nhiệm hình sự của pháp nhân…

Đọc thêm