Thành phố Hồ Chí Minh: Kết hợp linh hoạt nâng hạng chỉ số B1 với 3 bộ chỉ số khác

(PLVN) - Để thực hiện các giải pháp nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1), UBND TP HCM đã linh hoạt triển khai bằng việc kết hợp các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan nhằm nâng cao các tiêu chí thành phố đạt thấp hơn so với bình quân cả nước trong cả 3 bộ chỉ số, gồm PAR Index, PAPI, PCI. Nhờ quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tổ chức nhiều công việc, kết quả bước đầu đạt được của thành phố là rất tích cực.

Cụ thể, UBND thành phố chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi; lấy ý kiến của doanh nghiệp qua đường dây nóng, cổng thông tin điện tử, định kỳ hàng quý/6 tháng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp sau khi giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị. Đồng thời, theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh ở đơn vị, định kỳ hàng quý báo cáo và kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh.

UBND thành phố cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố thường xuyên cập nhật và trao đổi lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong việc xây dựng các chính sách mới và sửa đổi các chính sách không phù hợp với tình hình thực tế. Còn Cục Hải quan thành phố thì thực hiện theo dõi tình hình và đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu; định kỳ hàng quý báo cáo và kiến nghị giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh.

Đối với hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBND thành phố yêu cầu tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kỹ thuật trong xây dựng văn bản; đảo bảm việc xây dựng, ban hành văn bản phải gắn với rà soát, hệ thống hóa văn bản. Trước khi dự thảo quy định cần chú trọng rà soát các văn bản của Trung ương làm căn cứ để ban hành văn bản đúng thẩm quyền, tránh việc trùng lắp, chồng chéo, quy định lại nội dung đã được quy định, quy định vượt nội dung đã quy định. Đáng chú ý, Văn phòng UBND thành phố không trình ban hành văn bản khi chưa có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp.

Trong tổ chức thi hành pháp luật, cần cập nhật và tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp; tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật và khen thưởng trong thực thi và tuân thủ pháp luật. Riêng cải cách TTHC, UBND thành phố đề ra nhiều chỉ tiêu như 100% đơn vị áp dụng công nghệ thông tin khi tiếp nhận – xử lý – trả kết quả; giảm 30% thời gian giải quyết các TTHC về đăng ký đầu tư so với quy định của Luật Đầu tư; rút ngắn 50% thời gian giải quyết các thủ tục cho các hồ sơ đăng ký thành lập mới và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh so với quy định hiện hành…

Theo đó, đến nay, thành phố đã ban hành nhiều văn bản liên quan tới giảm chi phí tuân thủ pháp luật như Quyết định số 09/2019/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn thành phố, Chỉ thị số 03/CT-UBND về tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Trong kiểm tra, rà soát, cập nhật văn bản, thành phố đã rà soát 809 văn bản (sau rà soát, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi 242 văn bản); số lượng văn bản của HĐND và UBND thành phố thuộc lĩnh vực quản lý đề xuất hết hiệu lực, ngưng hiệu lực là 75 văn bản. Trong theo dõi thi hành pháp luật, ngoài theo dõi chung thì còn theo dõi qua thu thập thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, toàn bộ văn bản có hiệu lực đều được triển khai kịp thời và đúng quy định, không có văn bản đã có hiệu lực nào lại chưa được thi hành.

Quý II/2019, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành 10 quyết định công bố danh mục 123 TTHC, chuẩn hóa 26 TTHC, sửa đổi 24 TTHC, thay thế 20 TTHC, bãi bỏ 53 TTHC. Tính đến cuối tháng 7/2019, thành phố đã công bố 100 quyết định với 1.789 TTHC đang áp dụng, trong đó cấp tỉnh là 1.474 thủ tục, cấp huyện 201 thủ tục, cấp xã 114 thủ tục. Số lượng TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng được mở rộng và được người dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện với 1.149 dịch vụ công mức độ 3 và 375 dịch vụ công mức độ 4.

Trong 7 tháng đầu năm 2019, Văn phòng UBND thành phố đã tiếp nhận 53 trường hợp phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, TTHC trên địa bàn thành phố. Trong đó, có 28 trường hợp phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà, không thực hiện đúng quy định của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức và đã xử lý 20 trường hợp, còn lại đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết… 

Đọc thêm