Thanh tra văn phòng công chứng bị nêu vi phạm về hoạt động chứng thực

(PLO) - Người phát ngôn Bộ Tư pháp nêu rõ, trên cơ sở kết quả thanh tra, trường hợp Văn phòng công chứng, công chứng viên có hành vi vi phạm trong việc thực hiện chứng thực, thì tùy theo mức độ và trong phạm vi chức năng, thẩm quyền, Bộ Tư pháp sẽ xem xét xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 
Mọi hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động chứng thực sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật
Mọi hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động chứng thực sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật

Hôm nay (3/3), Bộ Tư pháp đã chính thức có ý kiến về việc một Văn phòng công chứng trên địa bàn TP Hà Nội thực hiện việc chứng thực bản sao không đúng quy định của pháp luật được đề cập trong phóng sự “Sao y bản chính mà không cần bản chính” của Trung tâm Tin tức VTV24 phát trên Kênh VTV1, Đài truyền hình Việt Nam ngày 28/2.

Chánh Văn phòng – Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, sau khi có phản ánh của Đài truyền hình Việt Nam, Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp đã có Công văn chỉ đạo Sở Tư pháp TP Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực trên địa bàn tiến hành kiểm tra, xử lý thông tin.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp và trên cơ sở nội dung phóng sự, ngày 28/2/2017, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTrSTP về thanh tra và thành lập Đoàn Thanh tra để thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về công chứng bản dịch, chứng thực bản sao từ bản chính đối với Văn phòng Công chứng đã được nêu trong phóng sự. Thời hạn thanh tra là 15 ngày làm việc. Việc thanh tra nêu trên hiện đang được Sở Tư pháp Hà Nội tiến hành theo quy định của pháp luật.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, hiện nay, việc chứng thực bản sao giấy tờ từ bản chính được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP (ngày 16/02/2015) của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Để xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có lĩnh vực chứng thực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (ngày 24/9/2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP (ngày 14/8/2015) sửa đổi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.

Các Nghị định nêu trên đã quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm chứng thực; nghĩa vụ, quyền của người yêu cầu chứng thực, người thực hiện chứng thực; trình tự, thủ tục chứng thực và chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong việc chứng thực bản sao từ bản chính, bao gồm cả đối với người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực.

Bên cạnh đó, đối với công chứng viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BTP (ngày 30/10/2012) về Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, theo đó công chứng viên thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức hành nghề thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo Điều lệ của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bộ Tư pháp đã lên tiếng về thông tin một văn phòng công chứng thực hiện chứng thực bản sao không cần bản chính được đề cập trong phóng sự của VTV
Bộ Tư pháp đã lên tiếng về thông tin một văn phòng công chứng thực hiện chứng thực bản sao không cần bản chính được đề cập trong phóng sự của VTV

Người phát ngôn Bộ Tư pháp nêu rõ, trên cơ sở kết quả thanh tra, trường hợp Văn phòng công chứng, công chứng viên có hành vi vi phạm trong việc thực hiện chứng thực, thì tùy theo mức độ và trong phạm vi chức năng, thẩm quyền, Bộ Tư pháp sẽ xem xét xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Phản ánh của Đài truyền hình Việt Nam là phản ánh về một vụ việc cụ thể tại một Văn phòng Công chứng. Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn báo chí nói chung, Đài truyền hình Việt Nam nói riêng đã đồng hành cùng Bộ Tư pháp trong việc thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực” – ông Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh.

Đọc thêm