Theo dõi thi hành pháp luật: Không để là nhiệm vụ của riêng Bộ, ngành Tư pháp

(PLO) - Theo dõi thi hành pháp luật (THPL) là nhiệm vụ mới được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nên bên cạnh những kết quả bước đầu thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Mặc dù gần đây đã có nhiều đổi mới trong công tác này nhưng rất cần nhận thức sâu sắc rằng việc theo dõi THPL là trách nhiệm chung của tất cả các cơ quan chứ không phải riêng của Bộ, ngành Tư pháp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dõi còn dàn trải

Q.Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương chia sẻ, hoạt động theo dõi THPL có thể đưa lại 3 “giá trị gia tăng” rất lớn là cung cấp thông tin cho cơ quan xây dựng pháp luật, cung cấp thông tin cho cơ quan THPL và liên thông, gắn kết giữa hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật. Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, công việc theo dõi THPL cũng được tiến hành nhằm kịp thời phát hiện những bất cập trong quá trình thực thi để có phản ứng chính sách xử lý, khắc phục những bất cập này đồng thời quy trách nhiệm cho những chủ thể thực hiện chính sách. Tuy nhiên, ở nước ta, tổ chức THPL đang được xem là một khâu yếu. Điều đáng nói hơn nữa là giữa công tác “xây dựng pháp luật” và công tác “tổ chức THPL” thiếu sự liên thông, thậm chí là cắt khúc. 

Với tư cách là đơn vị được giao tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý về công tác theo dõi THPL, báo cáo của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL thẳng thắn chỉ ra một số vướng mắc, bất cập trong công tác này. Đáng chú ý là tình trạng còn nhiều lãnh đạo các ngành, các cấp chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác theo dõi THPL, do đó chưa quan tâm đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Trong nhiều trường hợp, việc triển khai thực hiện chỉ là mang tính hình thức, đối phó với kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên mà chưa thực sự hướng tới mục đích của công tác theo dõi là phát hiện các vướng mắc, bất cập trong THPL để kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Từ thực tiễn địa phương, bà Lý Thị Thu Hà (Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang) cũng thừa nhận, một số địa phương còn chưa quan tâm đến công tác kiểm tra việc THPL theo thẩm quyền, chất lượng, hiệu quả của các cuộc kiểm tra còn hạn chế, chưa nêu được các khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật, chưa kiến nghị được nhiều vấn đề vướng mắc trong thể chế pháp luật. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, cơ quan Trung ương đã chú trọng đổi mới hình thức hoạt động, nhất là xác định lĩnh vực trọng tâm theo dõi (pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi rau, củ, quả và chè, về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…) nhưng một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác theo dõi THPL, nhiều lĩnh vực theo dõi còn mang tính hình thức, dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm.

Phải coi trọng nhiệm vụ đã được hiến định

Lần đầu tiên vấn đề theo dõi THPL được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, khoản 1 Điều 99 của Hiến pháp quy định: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc THPL liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc”. Như vậy, có thể thấy rõ ràng rằng “tổ chức THPL” và “theo dõi việc THPL” được xem là hai công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ trưởng.

Vì vậy, để khắc phục những bất cập nêu trên, ông Cương kiến nghị sớm xây dựng cơ chế liên thông, gắn kết, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước trong việc phản ánh thực trạng THPL. Thực tiễn tổ chức công tác theo dõi THPL cho thấy, những thông tin rất quan trọng về thực trạng THPL đang được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan giám sát nắm giữ nhưng thường không được chia sẻ đối với các cơ quan hoặc người làm công tác theo dõi THPL. Điều này làm cho những đánh giá về thực trạng THPL của cơ quan hoặc người làm công tác theo dõi THPL có thể thiếu toàn diện.

Bà Hà thì đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới đưa công tác theo dõi THPL lên tầm cao mới theo hướng luật hóa. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động kiểm tra đối với tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm theo dõi nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, khuyết điểm để uốn nắn, chấn chỉnh; những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, những điển hình để nhân rộng.

Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính lại xác định sẽ tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động theo dõi tình hình THPL. Theo đó, nội dung theo dõi THPL cần tiếp tục được nghiên cứu, rà soát để tránh sự dàn trải, trùng lặp như hiện nay, xây dựng các tiêu chí đánh giá cụ thể, sát với thực tế. Trước mắt cần sớm nghiên cứu, xây dựng Khung theo dõi và Bộ tiêu chí đánh giá tình hình THPL. Các Bộ, ngành có lộ trình nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ tiêu thống kê quốc gia về theo dõi THPL. Ngoài ra, Cục dự kiến xây dựng mô hình công tác viên trong lĩnh vực theo dõi THPL; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, kiểm tra và theo dõi THPL; thu hút sự hỗ trợ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế… để có thể thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ này.

Đọc thêm