Thi hành án “bắt tay” ngân hàng giải quyết nợ xấu

(PLO) - Để tăng cường hiệu quả xử lý nợ xấu, nợ khó đòi, Quy chế  phối hợp giữa Bộ Tư pháp  và Ngân hàng Nhà nước đã được ban hành. Từ hơn một năm nay, nhờ sự thực hiện tốt Quy chế phối hợp này, tình hình nợ xấu tại TP Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển biến đầy tích cực.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 3/8/2016, tại TP HCM đã diễn ra Hội nghị giao ban giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM và Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP HCM. Đây là lần thứ hai Hội nghị được tổ chức dưới hình thức một buổi đối thoại, trao đổi một cách thẳng thắn, cởi mở, nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác phối hợp để xử lý tài sản cho vay, thu hồi nợ, xử lý nợ xấu giữa Cục THADS TP HCM và các tổ chức tín dụng.

Các cơ quan THADS trên địa bàn TP đang tổ chức thi hành cho 79 tổ chức tín dụng, ngân hàng, trong đó bao gồm các Ngân hàng Nhà nước,  Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng thương mại, Ngân hàng liên doanh… Số liệu thống kê từ phía Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho thấy, đến thời điểm cuối tháng 6/2016, số vụ việc đã hoàn thành thi hành án (THA) là 224 vụ, tăng 28 vụ, thu được hơn 1388 tỉ đồng, tăng 295 tỉ đồng so với tháng 1/2016.

Bên cạnh đó, số lượng án còn tồn đọng tại các tổ chức tín dụng dù còn nhiều song đã có chuyển biến tích cực khi giảm 30 vụ so với tháng 1/2016. Riêng đối với những vụ việc THA có thời hạn kéo dài, lâu năm đã giảm được 156 vụ tại thời điểm tháng 1/2016. Theo nhận định từ phía Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cơ quan THADS đã chú trọng hỗ trợ tổ chức tín dụng, đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, giải quyết những vụ việc phức tạp, tồn đọng lâu năm, đồng thời đã có những động thái quyết liệt trong việc cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ hiệu quả các tổ chức tín dụng trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc. Nhiều vụ việc tồn đọng hàng chục năm, sau khi có Quy chế phối hợp đã tháo được điểm nghẽn, xử lý hoàn tất chỉ trong vài tháng trời.

Một câu chuyện được đưa ra mổ xẻ khá nhiều tại Hội nghị, đó là “vướng” ở quy định hỗ trợ thuê nhà cho người phải THA nhà. Theo phản ảnh từ một số ngân hàng, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người phải THA chưa có sự thống nhất ở các cơ quan THA, có nơi áp dụng mức giá này, có trường hợp tương tự nhưng áp dụng mức giá khác hẳn. Đại diện Ngân hàng Phương Đông chia sẻ, có trường hợp cho vay hơn 2 tỉ, tài sản kê biên chỉ hơn 1 tỉ, nhưng tiền hỗ trợ thuê nhà đề xuất lên đến gần 300 triệu đồng.

Quyền Cục trưởng Vũ Quốc Doanh nhấn mạnh, đây cũng là tình huống phổ biến, luật có quy định nhưng còn chung chung nên gặp những tình huống cụ thể sẽ gây khó cho cơ quan THA lẫn ngân hàng. Ông Vũ Quốc Doanh đã chỉ đạo nghiên cứu cụ thể, phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu về mức giá cho thuê nhà từng địa bàn, đồng thời đặt ra các vấn đề cụ thể trong thực tế xảy ra mà luật chưa quy định rõ như người bị THA nhà ở địa bàn này có được thuê nhà ở địa bàn khác trong trường hợp kinh phí thuê tại gần chỗ ở cũ quá cao hay không… nhằm thống nhất phương án bồi thường rõ ràng tại toàn bộ các chi cục trên địa bàn TP.

Hàng chục tình huống vướng mắc cũng được nhiều tổ chức ngân hàng khác đưa ra như cách thức xử lý đối với tàu thuyền không cố định một chỗ, xử lý đối với nợ là cổ phiếu, vốn góp… Với những vụ việc cụ thể, câu trả lời rõ ràng sẽ đến từ chấp hành viên phụ trách án, trưởng phòng ban, chi cục trưởng và các lãnh đạo Cục. Những vướng mắc chưa giải quyết trực tiếp được sẽ được trả lời bằng văn bản cụ thể đến ngân hàng chỉ trong 7 ngày, và các vướng mắc thuộc về quy định của pháp luật sẽ được Cục THADS ghi nhận và cáo cáo lên Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS để xin ý kiến tháo gỡ. 

Quyền Cục trưởng Vũ Quốc Doanh nhấn mạnh, nếu các vụ việc nào kéo dài quá lâu, không có tiến triển thì đề nghị phía ngân hàng có công văn phản ánh trực tiếp cho lãnh đạo Cục. Cạnh đó, Quyền Cục trưởng cũng cho biết, Cục THADS TP.HCM quyết tâm trong tháng 8 sẽ ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ. Đây cũng sẽ là một sự phối hợp nhằm giúp cán bộ ngân hàng tiết giảm bớt công sức, thời gian cho những thủ tục THA.

 Theo đánh giá của ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và ngành THADS mặc dù vẫn còn những tồn tại, vướng mắc nhưng với sự phối hợp sát sao, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo cả hai đơn vị đã đem lại những kết quả rất tích cực, góp phần xử lý nợ xấu, thu hồi ngân sách cho Nhà nước. 

Đọc thêm