Thi hành án: Hết cảnh “đánh đố” đương sự?

(PLO) - Theo Khoản đ Điều 31 Luật Thi hành án dân sự (THADS), đơn yêu cầu thi hành án (THA) phải có nội dung thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của người phải THA. Đây là quy định được đánh giá là “đánh đố” đương sự, cần phải sửa đổi.
Thi hành án: Hết cảnh “đánh đố” đương sự?
Khó cho người được thi hành án
Cùng với quy định nói trên, Khoản 1 Điều 44 Luật THADS cũng quy định trường hợp THA theo đơn yêu cầu, nếu người được THA đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện THA của người phải THA thì có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.
Những quy định nói trên là một trong những điểm mới của Luật THADS, với mục đích giảm gánh nặng cho chấp hành viên cơ quan THADS trong việc xác minh điều kiện THA, đồng thời gắn trách nhiệm của người được THA trong việc cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của người phải THA. 
Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trên thực tế rất khó khăn, thậm chí có thể nói là không thể thực hiện. Lý do là người được THA không thể tự mình có được thông tin về tài sản của người phải THA, nhất là khi tài sản đó cố tình bị che giấu hoặc đang do các cơ quan, tổ chức nắm giữ (ví dụ tiền để ngân hàng, nhà đất và các tài sản có giá trị mang tên ai, có bị cầm cố thế chấp ở đâu hay chưa, thu nhập của người phải THA thế nào...). 
Những vấn đề này, bản thân chấp hành viên với đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, mang danh nhà nước đi xác minh còn rất khó khăn huống hồ một người dân bình thường. Trong khi hiện nay, các văn bản pháp luật chuyên ngành không quy định trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nắm giữ thông tin và quản lý tài sản của người phải THA phải cung cấp thông tin cho người được THA.
Vì những khó khăn nêu trên nên thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp đơn yêu cầu THA không đảm bảo nội dung theo quy định (chủ yếu là không có thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của người phải THA); cơ quan THADS đã yêu cầu bổ sung nhưng người được THA không thực hiện hoặc thực hiện nhưng vẫn không đảm bảo theo quy định của pháp luật. Điều này không những khó khăn cho đương sự vì đơn yêu cầu THA là thủ tục rất quan trọng, khởi đầu cho việc THA (có được tiếp nhận thì mới được thụ lý) mà còn gây khó khăn cho cơ quan THA vì không biết nên nhận hay từ chối đơn.
Quy định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức
Khắc phục những bất cập trên, Dự thảo sửa đổi Luật THADS đã sửa đổi theo hướng, trong đơn yêu cầu THA thì nội dung thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của người phải THA là điều kiện không bắt buộc (có thể có hoặc không).
Dự luật cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải THA có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được THA hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được THA hoặc chấp hành viên có yêu cầu trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện THA của người phải THA thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Dự thảo cũng quy định trường hợp người được THA yêu cầu cơ quan THADS xác minh điều kiện THA thì phải chịu chi phí xác minh. Cơ quan THA có trách nhiệm xác minh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh. Luật cũng quy định quyền hạn của Chấp hành viên khi đi xác minh cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện yêu cầu của chấp hành viên.   
Đối với trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hay do trở ngại khách quan khác xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu THA đúng hạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Đối với trường hợp do phải chữa bệnh nội trú nên không thể yêu cầu THA đúng hạn thì phải có xác nhận hoặc giấy nhập viện, xuất viện của tổ chức y tế cấp huyện trở lên. Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu THA đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó. Đối với những trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu THA đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.

Đọc thêm