Thiết kế không gian “mở” cho địa phương trong ban hành văn bản

(PLO) - Chiều qua (26/8), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có buổi làm việc để nghe những góp ý của nhóm chuyên gia đối với Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được hợp nhất trên cơ sở hai Luật năm 2004 và năm 2008. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường lắng nghe ý kiến đóng góp của chuyên gia nước ngoài về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Bộ trưởng Hà Hùng Cường lắng nghe ý kiến đóng góp của chuyên gia nước ngoài về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến định hướng tiếp tục thu gọn hình thức VBQPPL và xác định lại thẩm quyền ban hành VBQPPL của một số chủ thể để “hệ thống pháp luật Việt Nam không còn phức tạp nhất thế giới” như chia sẻ của Bộ trưởng Hà Hùng Cường.
Có “địa dư” để địa phương ban hành văn bản
Theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến, Dự thảo Luật quy định chính quyền cấp huyện và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có thẩm quyền ban hành VBQPPL để quy định những vấn đề được giao trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. 
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không nên quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, vì đối với những đơn vị này, nếu thuộc Trung ương thì các cơ quan Trung ương khi ban hành văn bản sẽ quy định cụ thể những vấn đề điều chỉnh ở các đơn vị này, nếu thuộc tỉnh thì chính quyền cấp tỉnh quy định.
Ngoài ra, cũng có những kiến nghị không nên quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp huyện mới thực hiện được một cách triệt để mục đích tinh giản, làm gọn hệ thống VBQPPL. Theo đó, chỉ nên quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, đối với chính quyền địa phương cùng lắm là trao thẩm quyền cho chính quyền cấp tỉnh quy định một số vấn đề cụ thể để phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, không nên quy định cho cấp huyện được ban hành VBQPPL. 
Tổng kết công tác ban hành VBQPPL của chính quyền địa phương cho thấy, nhu cầu ban hành VBQPPL ở cấp huyện không lớn, chủ yếu là sao chép các quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên để áp dụng trực tiếp trên địa bàn quận, huyện, trong khi lực lượng cán bộ xây dựng pháp luật còn mỏng, năng lực yếu, không thể quán xuyến được hết hoạt động xây dựng pháp luật. Vì vậy, trong quá trình tổng kết việc thực hiện Luật năm 2004, rất nhiều địa phương đề nghị không nên tiếp tục quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã.
Từ kinh nghiệm của Canada có quy định một số điều kiện cụ thể cho chính quyền địa phương ban hành văn bản nhằm bảo đảm tính đặc thù của địa phương, Giám đốc Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam Isabeau Vilandre lại phân tích, khó có thể hạn chế tuyệt đối thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp quận, huyện. 
Ông Vilandre kiến nghị, Dự thảo Luật cần có “địa dư”, không gian “mở” cho phép địa phương ban hành VBQPPL gắn với trách nhiệm và trong điều kiện cụ thể nào đó ủy quyền cho phép ban hành văn bản. Khi ấy, sẽ tuân thủ các nguyên tắc như VBQPPL liên quan đến quyền bầu cử của người dân; lĩnh vực được phép ban hành VBQPPL phải được ủy quyền rõ ràng, chính xác, trực tiếp. Không những thế, phải xác định mối quan hệ giữa Luật này với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt bởi địa phương thường có xu hướng mở rộng hơn thẩm quyền của mình, phá vỡ những quy định thông thoáng trong các VBQPPL của cấp Trung ương; gắn với đó là trách nhiệm giải trình, làm rõ tại sao ban hành VBQPPL đó cũng như giữ được vai trò, chức năng giám sát của cơ quan cấp trên. 
Xây dựng chính sách sẽ rõ ràng quyền hành pháp của Chính phủ
Một vấn đề mới cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia là về quy trình xây dựng chính sách trong quá trình xây dựng VBQPPL. Ông Tuyến cho biết, Dự thảo Luật tách bạch quy trình xây dựng chính sách trong quy trình soạn thảo 4 loại văn bản là luật, pháp lệnh, nghị định và nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, trong đó tập trung quy định về quy trình xây dựng chính sách, theo hướng chính sách được thông qua, phê duyệt trước khi bắt đầu soạn thảo văn bản. 
Tuy nhiên, việc thiết kế quy trình xây dựng chính sách như thế nào cho phù hợp thì có ý kiến cho rằng cần lồng ghép quy trình xây dựng chính sách trong quy trình xây dựng đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, khi Quốc hội xem xét, thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm thì cũng đồng thời xem xét, thông qua chính sách của từng dự án luật, pháp lệnh. 
Ngược lại, một số ý kiến đề nghị tách riêng quy trình phê duyệt chính sách với việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cụ thể, Quốc hội phê duyệt chính sách của từng dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt chính sách của từng dự án pháp lệnh trước, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ đạo việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.
Trước những ý kiến khác nhau, ông Vilandre nhận định, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã quy định rõ hơn các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo thông lệ quốc tế, nếu Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua chính sách thì quyền hành pháp của Chính phủ rất rõ ràng. Bằng những phân tích trên, ông Vilandre rất ủng hộ việc tách bạch quy trình xây dựng chính sách trong quá trình xây dựng VBQPPL và khuyến nghị việc xây dựng chính sách sẽ dừng ở Chính phủ.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao nhiều ý kiến hợp lý và đáng để tham khảo của nhóm chuyên gia. Bộ trưởng tâm đắc nhận xét của chuyên gia về vấn đề VBQPPL của Trung ương quy định rất thông thoáng nhưng bị phá vỡ bởi cách hiểu của văn bản cấp dưới. Điều này đồng nghĩa với việc làm sao để tất cả cơ quan nhà nước, cán bộ, người dân hiểu đúng đắn, thống nhất các VBQPPL và muốn thế chắc phải gia công thêm ở chương mới về thi hành pháp luật của Dự thảo Luật. 

Đọc thêm