Thiếu “chó canh” khiến RIA thành “gánh nặng pháp lý“

(PLO) - Nhiều ban soạn thảo “sợ” và tìm mọi cách để “trốn” đánh giá dự báo tác động pháp luật (RIA) nên dù có RIA nhưng tình trạng nợ văn bản vẫn diễn ra, nhiều văn bản vẫn “chết yểu” hoặc không thể thi hành vì thiếu tính khả thi. 
Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ trình bày về RIA
Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ trình bày về RIA

Sáng nay (29/11), với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tổ chức tập huấn kỹ năng đánh giá dự báo tác động pháp luật (RIA) cho các nhà báo đến từ hơn 30 cơ quan báo chí của TƯ và một số tỉnh phía Bắc.

Theo Luật Ban hành văn bản quy pháp pháp luật (VBQPPL), RIA là bắt buộc đối với các VBQPPL từ nghị định trở lên. Nếu RIA được làm thực sự thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Nhưng nhiều cơ quan soạn thảo VBQPPL đang “lách” RIA bằng cách rút bớt các quy định trong dự thảo luật, nghị định để đưa vào Thông tư.

Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM cho biết, thực tế, RIA đang không được sử dụng một cách thực chất, mà chỉ còn là hình thức để “hoàn thiện hồ sơ dự án Luật” trình cơ quan có thẩm quyền. Quá trình tham gia gia tư vấn về RIA cho nhiều ban soạn thảo các dự án Luật, bà Võ Thị Lan Phương – Giám đốc Công ty Vriens & Partners nhận ra, có nhiều ban soạn thảo “sợ” và tìm mọi cách để “trốn” RIA nên dù có RIA nhưng tình trạng nợ VB vẫn diễn ra, nhiều VB vẫn “chết yểu” hoặc không thể thi hành vì thiếu tính khả thi.

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến RIA chưa được áp dụng thực chất tại Việt Nam vì thiếu cơ chế đảm bảo thực hiện. Như ở các nước có một cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện kiểm soát độc lập RIA thường được gọi với thuật ngữ "dog watchs RIA" (Chó canh RIA - PV) để đảm bảo RIA được các cơ quan soạn thảo thực hiện trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật. 
Còn ở Việt Nam mới chỉ có quy định về RIA mà không có quy định nào đưa ra được cơ chế này. Do đó quy định RIA đang trở thành “gánh nặng pháp lý” đến nỗi từng bị “đòi” bỏ ra khỏi quy trình hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật.
Khảo sát cho thấy, sau 7 năm thi hành quy định về RIA, tỷ lệ người biết đầy đủ về RIA ngay trong các cơ quan nhà nước cũng chưa nhiều. Đây cũng là một vấn đề cần phải khắc phục để RIA thực sự đem lại tính khả thi cho mỗi VBQPPL./.

Đọc thêm