Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nói về đổi mới tuyên truyền pháp luật

(PLO) - Thay vì giới thiệu những điều luật khô khan, các địa phương đã xây dựng các video clip diễn tả các tình huống sinh động để tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nhiều địa phương còn phát động cuộc thi trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố để lựa chọn tác phẩm có chất lượng tham gia cuộc thi ở Trung ương.
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền trao giải Nhất cuộc thi cho đại diện Sở Tư pháp Hà Nội
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền trao giải Nhất cuộc thi cho đại diện Sở Tư pháp Hà Nội
Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền về hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả này. 
Độc đáo cuộc thi tuyên truyền luật bằng kịch
Thưa Thứ trưởng, vì sao Bộ Tư pháp có sáng kiến tổ chức cuộc thi “Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng”? 
- Như chúng ta đã biết, tham nhũng là vấn nạn nghiêm trọng đối với mọi quốc gia trên thế giới, nhất là ở những nước đang phát triển và kém phát triển, nơi mà hệ thống pháp luật còn thiếu chặt chẽ. Bởi vậy, trong khuôn khổ Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016”, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức triển khai nhiều hoạt động với các hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, trong đó có tổ chức cuộc thi “Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng”. Cuộc thi được tổ chức thông qua hình thức tiểu phẩm dưới dạng video clip và được phát động từ tháng 7/2013 ở các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước. 
Cuộc thi có nhận được sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương không, thưa bà? 
- Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, cuộc thi đã nhận được 40 tiểu phẩm dự thi của 39 cơ quan, tổ chức. Một số địa phương như Hà Nội, Bến Tre còn phát động cuộc thi trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố để qua đó chọn được tác phẩm có chất lượng tham gia cuộc thi ở Trung ương. Do có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo một số Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố nên các địa phương đã huy động được nhiều cơ quan, tổ chức cùng tham gia dàn dựng các tiểu phẩm dự thi. Bên cạnh vai trò nòng cốt của các đơn vị pháp chế, các Sở Tư pháp, còn có sự tham gia của các Đài Phát thanh - Truyền hình, Thanh tra, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các công ty truyền thông và đã tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực. 
Ngạc nhiên với các diễn viên không chuyên
Tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng là đề tài khó, các tác phẩm dự thi có đáp ứng được các tiêu chí mà Ban Tổ chức cuộc thi đưa ra không? 
- Tuy đề tài cuộc thi tương đối khó nhưng hầu hết các tiểu phẩm dự thi đã bám sát yêu cầu về chủ đề, khai thác nội dung tương đối phong phú, đa dạng có tính tuyên truyền, giáo dục cao, thể hiện dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Có tiểu phẩm mang tính răn đe, lên án hành vi tham nhũng, tiêu cực. Có tiểu phẩm thì được thể hiện dưới góc nhìn nêu gương, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, động viên cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. Đa số các tiểu phẩm đều đảm bảo tính logic, sát thực tiễn, có tính thời sự cao. Một số tiểu phẩm có cốt truyện gần gũi, dung dị, sâu sắc tình người như tiểu phẩm “Như là tai họa” của Sở Tư pháp TP.HCM, “Đối mặt” của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, “Cần có một tấm lòng” của UBND tỉnh Bến Tre.. 
Một số tiểu phẩm nổi trội, đã thể hiện được nội dung tuyên truyền pháp luật rõ nét, ý tưởng kịch bản rõ ràng, logic, cốt truyện hấp dẫn, thuyết phục, diễn viên diễn xuất tốt như tiểu phẩm “Dân kiểm tra” của Sở Tư pháp Hà Nội, “Công khai, minh bạch” của Sở Tư pháp Bắc Ninh, “Khi người tố cáo bị thiệt hại” của UBND tỉnh Bình Dương… 
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền 
Việc chuyển tải các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng thành ngôn ngữ kịch có quá khó  đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật không, thưa Thứ trưởng? 
-  Đúng là việc chuyển tải các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng thành lời nói, hành động, diễn xuất của các diễn viên không chuyên có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, điều mà chính Ban Tổ chức cuộc thi cũng bất ngờ là các diễn viên không chuyên đã thể hiện rất hiệu quả, sinh động các thông điệp muốn tuyên truyền.  
Có thể nói, chất lượng của các tiểu phẩm và kết quả cuộc thi đã vượt dự kiến ban đầu của Ban Tổ chức. Cuộc thi đã thể hiện sự lao động sáng tạo của những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều tác phẩm dự thi thực sự gây xúc động cho người xem bởi sự dung dị, gần gũi, đầy sức thuyết phục. Các tiểu phẩm dự thi đều bám sát chủ đề tư tưởng, thể hiện cách nhìn đa dạng, mang đậm hơi thở của cuộc sống, phản ánh được các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, làm cho chúng ta khi xem thấy rất gần gũi, vì vậy, hiệu quả tuyên truyền cao, ý nghĩa xã hội sâu sắc, có tính giáo dục, định hướng dư luận. 
Cuộc thi cũng cho thấy sự trưởng thành trong nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, sự đổi mới, sáng tạo, lòng yêu nghề của những người làm công tác này trên cả nước. 
Kết quả cuộc thi sẽ tiếp tục được phát huy
Việc phát huy hiệu quả của những tiểu phẩm này trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng? 
- Cuộc thi không chỉ dừng lại ở đây mà kết quả cuộc thi sẽ tiếp tục được phát huy trong các năm tiếp theo. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng qua các tiểu phẩm thông qua các thiết chế văn hóa cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Tư pháp cũng sẽ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khai thác triệt để các tiểu phẩm này làm tài liệu tuyên truyền sâu rộng pháp luật về phòng, chống tham nhũng tới cán bộ, nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức công dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quyết tâm đẩy lùi vấn nạn này trong thời gian tới. 
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! 
Hôm qua (16/4), Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ trao giải cuộc thi “Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng”. Giải Nhất được trao cho tiểu phẩm “Dân kiểm tra” của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội. Hai giải Nhì thuộc về các tiểu phẩm “Công khai, minh bạch” của Sở Tư pháp Bắc Ninh và “Đối mặt” của Sở Tư pháp Cà Mau. 5 giải Ba, 6 giải Khuyến khích và 3 giải phong trào cũng được trao cho các tác phẩm xuất sắc tham dự cuộc thi. 

Đọc thêm