Thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài cần "thông thoáng" hơn?

(PLO) - Để hạn chế tình trạng “trá hình” trong kết hôn với người nước ngoài, cũng như bảo đảm quyền lợi công dân trong nước, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định/Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau khi triển khai nhiều quy định đã bộc lộ bất cập.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Không cho ủy quyền là khó cho dân
Anh Nguyễn Tuấn Ngọc (ngụ quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) là sinh viên đang du học tại Bồ Đào Nha làm giấy ủy quyền (có xác nhận của đại sứ quán Việt Nam) cho cha mình đang cư trú ở TP.Hồ Chí Minh xin xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. 
Tuy nhiên, khi người cha mang hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền thì bị từ chối vì theo nghị định 24/CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (có hiệu lực từ 15/5/2013) thì việc xác nhận độc thân cho công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài để làm thủ tục kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phải do công dân đó trực tiếp nộp hồ sơ.
Không ít những trường hợp như của anh Ngọc, vì lý do bận công việc, học hành, hay điều kiện kinh tế... mà nhiều người không thể trực tiếp về nước xin xác nhận độc thân (điều kiện quan trọng để đăng ký kết hôn). Theo quy định cũ, người không thể trực tiếp đến nộp hồ sơ thì có thể ủy quyền cho người thân của mình đến UBND cấp phường xác nhận. 
Tuy nhiên, với Nghị định 24, người dân phải đến nộp hồ sơ trực tiếp. Quy định này theo nhiều người là không thuận lợi cho dân. Nhất là với những trường hợp vừa ra nước ngoài học tập, sinh sống, làm ăn chưa được bao lâu thì việc buộc họ phải trở về nước xin giấy xác nhận là gây tốn kém, mất thời gian không cần thiết
Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh Lê Thị Bình Minh cho rằng, việc xác nhận độc thân không phải là bí mật đời tư không thể tiết lộ hay có khả năng để lại những hậu quả pháp lý nghiêm trọng, do vậy người thân trong gia đình có thể nhận ủy quyền để đi xin xác nhận thay là phù hợp. Cán bộ hộ tịch chỉ cần căn cứ dữ liệu hộ tịch lưu trữ của địa phương mà xác nhận người đó đã từng đăng ký kết hôn hay chưa.
Cũng theo quy định của Nghị định 24/CP thì trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi văn bản xin ý kiến Sở Tư pháp.Trong thời hạn 10 ngày, Sở Tư pháp phải thực hiện thẩm tra, xác minh và có văn bản trả lời Ủy ban nhân dân cấp xã kèm trả hồ sơ; nếu từ chối giải quyết, Sở Tư pháp giải thích rõ lý do bằng văn bản. Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và cấp cho người yêu cầu.
Với quy định này nhiều ý kiến cho rằng, thực tế thì công dân có hộ khẩu tại địa phương, gia đình sinh sống tại địa phương nên có thể nhờ công an khu vực, tổ dân phố... hỗ trợ UBND phường, xã xác minh thông tin. Tuy nhiên, Nghị định quy định Sở Tư pháp phải thẩm tra, xác minh là không hợp lý, chỉ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, người dân lại mất công chờ đợi (vì các việc xin ý kiến, thẩm tra, xác minh kéo dài đến 14 ngày).Trong khi Nghị định cũng không quy định rõ quy trình cũng như những trường hợp nào thì Sở Tư pháp phải thẩm tra và điều này gây khó khăn cho chính các cơ quan Tư pháp địa phương.
Vẫn phải chờ đợi
Thời gian qua, nhiều vụ việc cô dâu Việt bị hành hung, thậm chí bỏ mạng ở nơi xứ người gây rúng động dư luận. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch chính là sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, phong tục tập quán... của những “người trong cuộc”. 
Thực tế, với nhiều trường hợp, việc kết hôn không dựa trên sự tự nguyện và xuất phát từ tình yêu mà qua người giới thiệu, môi giới bất hợp pháp hoặc với mong muốn xuất ngoại để “đổi đời”. Để tránh những cuộc hôn nhân trá hình, trước đây Nghị định 68, 69/CP đã có những quy định về phỏng vấn trước khi kết hôn, tuy nhiên việc thực hiện quy định này còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng phỏng vấn chỉ là hình thức. 
Khắc phục tình trạng nói trên, Thông tư 22 hướng dẫn Nghị định 24/CP đã quy định rõ những trường hợp bắt buộc phải đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để được tư vấn, hỗ trợ. 
Theo đó, đương sự thuộc một trong các trường hợp sau thì phải đến Trung tâm tư vấn, đó là: hai bên chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên; Người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã kết hôn và ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam; Hai bên chưa hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước.
Cũng theo quy định của Thông tư 22, khi công dân Việt Nam thuộc những trường hợp trên đã đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì sẽ được Trung tâm cấp cho Giấy xác nhận và giấy này bắt buộc phải có trong hồ sơ đăng ký kết hôn.
Theo thống kê, hiện cả nước có gần 20 Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân thuộc các Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành đang hoạt động. Khi Nghị định 24 và Thông tư 22 có hiệu lực, các Trung tâm này bắt buộc phải làm thủ tục thay đổi tên gọi, xin lại giấy phép... tuy nhiên việc này cho đến nay vẫn “đang được tiến hành” và không nhiều Trung tâm đã thực hiện chuyển đổi xong. Điều đó có nghĩa là công dân thuộc những trường hợp nêu trên không còn cách nào khác phải chờ đợi các Trung tâm hoàn tất thủ tục pháp lý để được cấp giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, chỉ với 18 trung tâm (hiện một số tỉnh thành đang có đề nghị lập thêm một số Trung tâm mới) thì vấn đề đặt ra là với những địa phương không có Trung tâm thì giải quyết nhu cầu của người dân ra sao? Không lẽ họ cư trú ở một nơi lại bắt họ phải đến một nơi khác có Trung tâm để xin hỗ trợ, tư vấn và cấp giấy xác nhận? Đây cũng là một vấn đề để các cơ quan quản lý phải tính đến để làm sao người dân không bị làm khó.
Quy định cấp giấy xác nhận của Trung tâm nói trên là quy định mới của Nghị định 24/CP. Khi xây dựng nên những quy định này, chắc chắn các nhà làm luật kỳ vọng nó sẽ là điều kiện then chốt để loại bỏ những cuộc hôn nhân vì mục đích lợi nhuận, đồng thời bảo hộ quyền lợi cho công dân trong nước. 
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai chưa lâu song đã xuất hiện những lo ngại khi người đi đăng ký kết hôn bị từ chối ở Sở Tư pháp thì sẽ tìm đến các Trung tâm xin xác nhận để hợp thức hóa hồ sơ. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng để hoạt động của các Trung tâm thực sự lành mạnh, đúng pháp luật thì cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và uốn nắn đối với hoạt động của các trung tâm này.

Đọc thêm