Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch

(PLO) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch.
Kế hoạch ban hành kèm theo quyết định nói trên xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Hộ tịch, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên phạm vi cả nước.
Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Ảnh minh họa
Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Ảnh minh họa
Kế hoạch cũng nêu rõ các nội dung cần triển khai, đó là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật; tổ chức rà soát các VBQPPL hiện hành liên quan đến Luật Hộ tịch, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các VBQPPL bảo đảm thi hành hiệu quả Luật Hộ tịch; tổ chức quán triệt thực hiện và tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. 
Đặc biệt, Kế hoạch yêu cầu rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong Luật Hộ tịch. 
Theo đó, UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn thành việc rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương trước ngày 31/7/2015, báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết quả rà soát và đề xuất UBND cấp tỉnh bố trí đủ công chức Phòng Tư pháp làm công tác hộ tịch, bảo đảm đủ công chức làm công tác hộ tịch khi chuyển giao thẩm quyền theo quy định của Luật.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương, đề xuất lộ trình đào tạo, bồi dưỡng và báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 31/8/2015.
Bộ Ngoại giao hoàn thành việc rà soát đội ngũ viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự làm công tác hộ tịch tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 31/8/2015. Bộ Tư pháp tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất kế hoạch đào tạo đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch xây dựng Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2015.
Riêng việc kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, Kế hoạch chỉ rõ: Trước ngày 31/12/2019, bảo đảm 100% công chức làm công tác hộ tịch đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch; từ ngày 1/1/2016, UBND các cấp chỉ bố chí, tuyển dụng mới những người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch làm công tác hộ tịch.
Ngoài ra, kế hoạch cũng nêu rõ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương mình chủ động, tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch này theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí. 
Căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tiễn, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thi hành Luật Hộ tịch tại Bộ, địa phương mình. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn giải quyết và gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và UBND các cấp bảo đảm kinh phí, nhân lực để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương.
Cũng trong ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 55/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo Kế hoạch ban hành kèm theo quyết định thì các nội dung cần thực hiện trong thời gian tới gồm: xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật; tổ chức rà soát các văn bản liên quan đến Luật sửa đổi, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; tổ chức quán triệt, tuyên truyền phổ biến luật; xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin và công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; rà soát công bố thủ tục hành chính theo Luật sửa đổi; kiện toàn tổ chức hệ thống thi hành án dân sự; tập huấn nghiệp vụ về Luật sửa đổi. Các nội dung nói trên được ấn định thời gian, giao trách nhiệm cho từng cơ quan cụ thể.

Đọc thêm