Thực hiện Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc: Trọn lý, vẹn tình

(PLVN) - Việc triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi trong những năm qua đã góp phần tạo điều kiện cho nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình ở trong nước cũng như ở nước ngoài, giúp các em có được sự chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt trong môi trường gia đình.
Tuyên truyền pháp luật về con nuôi luôn được Vĩnh Phúc coi trọng.  Ảnh minh họa
Tuyên truyền pháp luật về con nuôi luôn được Vĩnh Phúc coi trọng. Ảnh minh họa

Ngay sau khi Luật ra đời cách đây 8 năm, để triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Nuôi con nuôi và các Nghị định hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật  để cụ thể hoá các quy định về nuôi con nuôi, hoàn thiện thể chế ở địa phương như: Quyết định số 39/2011/QĐ-UBND ngày 18/10/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các cấp trong việc thực hiện Luật Nuôi con nuôi; Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh…

Từ khi có các văn bản này, các quan hệ con nuôi phát sinh trên thực tế được đăng ký đúng pháp luật làm cơ sở bảo đảm quyền được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và sống trong môi trường gia đình.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi luôn được quan tâm chú trọng. Ngay từ khi có Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phổ biến kịp thời và đầy đủ các nội dung của Luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đến tất cả các đối tượng liên quan như: Các sở, ban, ngành; các huyện, thành thị, đặc biệt là các cán bộ trực tiếp làm công tác này.

Đồng thời, thực hiện cấp phát các tài liệu liên quan cho các cán bộ, công chức tham gia vào công tác này ở các cấp, các ngành, đồng thời thường xuyên có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp với cơ quan Tư pháp và các ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh như: Phối hợp cơ quan công an trong xác minh nguồn gốc trẻ bị bỏ rơi được nhận làm con nuôi, đặc biệt là nuôi con nuôi nước ngoài; phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội rà soát, xác định đối tượng đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc, lập danh sách thông báo tìm gia đình thay thế; phối hợp với cơ sở y tế trong việc phát hiện, cung cấp thông tin nguồn gốc trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế; phối hợp cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh trong việc thông báo tìm người thân, tìm gia đình thay thế cho trẻ; trách nhiệm của UBND cấp xã trong theo dõi, quản lý quan hệ nuôi con nuôi sau đăng ký…

Tất cả nhằm đảm bảo pháp luật nuôi con nuôi được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tránh xảy ra các vấn đề tiêu cực từ quan hệ nuôi con nuôi như buôn bán trẻ em, lợi dụng nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục hoặc hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước.

Trong 8 năm qua, UBND tỉnh giải quyết cho 13 trường hợp được làm con nuôi người nước ngoài. UBND cấp xã đăng ký nuôi con trong nước cho hơn 260 trường hợp, trong đó có 58 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi thực tế.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở nuôi dưỡng trẻ có đủ điều kiện cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài (Trung tâm công tác xã hội). Có 04 tổ chức con nuôi nước ngoài được phép hoạt động nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh: Tổ chức EAV của Pháp; tổ chức N.A.A.A của Italia; tổ chức ACI và CJ của Tây Ban Nha. Việc giải quyết cho nhận nuôi con nuôi được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Việc thi hành pháp luật về nuôi con nuôi đã góp phần giúp cho nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn nhất định như: Quy định về việc hỗ trợ nuôi dưỡng cho trẻ em trong thời hạn 60 ngày khi bố mẹ trẻ không có khả năng nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi gặp khó khăn; Việc đăng ký nuôi con nuôi gặp khó khăn đối với trường hợp gia đình nhận nuôi con trong thời gian dài, không thông báo và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền (đối với trẻ em bị bỏ rơi hoặc tự thỏa thuận với cha mẹ đẻ)...

Có thể nói, trong những năm qua, việc nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật về con nuôi và pháp luật liên quan, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em để các em được sống, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trong môi trường gia đình.

Đồng thời, giúp nhiều người, đặc biệt là phụ nữ đơn thân hoặc các cặp vợ chồng hiếm muộn được thực hiện quyền làm cha mẹ. Từ đó góp phần ổn định đời sống xã hội tạo nền tảng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. 

Đọc thêm