Thực thi Công ước ICCPR ở Việt Nam (Bài 2): Những thành tựu trong xây dựng pháp luật về quyền dân sự và chính trị

(PLVN) - Kể từ khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR), Việt Nam đã rất tích cực và nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình với tư cách là thành viên của Công ước. Vừa do yêu cầu nội tại ở trong nước vừa do tuân thủ cam kết quốc tế, từng điều, khoản của Công ước ICCPR đã được nội luật hóa vào pháp luật quốc gia hoặc được trực tiếp áp dụng trong thực tiễn tại Việt Nam. 
Những nỗ lực và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người được đánh giá cao (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn)
Những nỗ lực và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người được đánh giá cao (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn)

Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong việc thực thi Công ước được thể hiện trên nhiều phương diện, từ công tác lập pháp đến công tác hành pháp và tư pháp, trong đó trước hết phải kể đến công tác xây dựng pháp luật.

Ghi nhận các quyền trong pháp luật quốc gia

Việc tham gia Công ước ICCPR là một sự tiếp tục khẳng định quan điểm, chính sách xuyên suốt của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ và thúc đẩy quyền dân sự và chính trị.

Kể từ đó, công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực quyền dân sự, chính trị ở Việt Nam ngày càng được chú trọng và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là sau Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Chỉ trong vòng hơn 10 năm, rất nhiều luật quan trọng liên quan trực tiếp đến các quyền dân sự, chính trị đã được ban hành và liên tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung nhằm mục đích ngày càng ghi nhận đầy đủ nhất các quyền này.

Đặc biệt, quyền con người, quyền công dân luôn được ghi nhận trong các bản Hiến pháp của Việt Nam, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.

Mới đây nhất, Hiến pháp năm 2013 được thông qua đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nhận thức về quyền con người, cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực. Hiến pháp dành một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, trong đó ghi nhận cụ thể, đầy đủ các quyền về dân sự và chính trị.

Điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đây là không cho phép các văn bản dưới luật được đưa ra các hạn chế quyền con người và ngay cả luật của Quốc hội cũng chỉ được đưa ra các hạn chế quyền con người, quyền công dân “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” (Điều 14 Hiến pháp). 

Cơ chế đảm bảo thực thi quyền

Bên cạnh việc ghi nhận các quyền dân sự và chính trị, pháp luật Việt Nam cũng quy định rõ cơ chế đảm bảo việc thực hiện các quyền này trên thực tế. 

Hiến pháp quy định trực tiếp các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, các luật về tổ chức của các cơ quan (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân) quy định ngày càng đầy đủ về tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước; cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước; cơ chế vận hành, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và công chức nhằm đảm bảo việc thực thi quyền dân sự và chính trị của người dân. 

Các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành cụ thể có liên quan đến quyền dân sự và chính trị cũng đều có quy định về nguyên tắc đảm bảo thực thi quyền.

Pháp luật về quyền giám sát của các cơ quan dân cử, quyền trực tiếp giám sát, kiểm tra của công dân đối với các hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức đã đổi mới một bước, theo đó hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã được thực hiện thường xuyên hơn.

Các hình thức giám sát được tổ chức đa dạng, phong phú như việc trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...

Như vậy, có thể khẳng định rằng, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng bảo vệ và thúc đẩy quyền dân sự và chính trị. Điều đó thể hiện cam kết mạnh mẽ và những nỗ lực không ngừng trong việc đảm bảo mọi người đều có cơ hội thụ hưởng các quyền này ở Việt Nam.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, trong đó bao gồm các nội dung về quyền con người, quyền công dân.
Chỉ tính từ tháng 1/2014 đến nay, đã có khoảng hơn 100 luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều luật quan trọng về quyền con người, chẳng hạn như: Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Thi  hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Luật Báo chí năm 2016; Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Tố cáo năm 2018; Luật Đặc xá năm 2018...
Các luật này quy định đầy đủ, rõ ràng các quyền dân sự và chính trị; các cơ chế bảo đảm và phát huy các quyền này tại Việt Nam...

Đọc thêm