Tích cực đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống

(PLO) - Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là đảm bảo chính trị - pháp lý vững chắc cho dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và Nhà nước Việt Nam vững bước tiến lên trước những thách thức mới của thời đại. 
Lễ ký chứng thực Hiến pháp sửa đổi
Lễ ký chứng thực Hiến pháp sửa đổi
Nhiều nội dung lần đầu được Hiến định
Quy định rõ ràng, đầy đủ chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, bảo vệ Tổ quốc, về tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và việc sửa đổi Hiến pháp mới đã khẳng định tư tưởng bất diệt của dân tộc Việt Nam là đề cao quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân, phản ánh giá trị cao quý, bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung và lần đầu tiên được hiến định trong Hiến pháp được đánh giá là vô cùng quan trọng, mở đường cho nhiều thay đổi mới, mang tính đột phá. 
Điển hình, về chế độ chính trị, Hiến pháp khẳng định Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Chữ “Nhân dân” cũng lần đầu tiên được viết hoa trong Hiến pháp của nước ta. 
Đồng thời, lần đầu tiên khẳng định trong Hiến pháp “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Việc khẳng định cơ quan nào là cơ quan lập pháp, cơ quan nào là cơ quan hành pháp, cơ quan nào là cơ quan tư pháp cũng lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp sửa đổi 2013. 
Bên cạnh đó, Điều 4 Hiến pháp còn bổ sung một điểm mới rất quan trọng về trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trước những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. 
Một chương được đánh giá là có nhiều nội dung mới, được sửa đổi khá chi tiết, từ việc thay đổi vị trí chương đến việc quy định mang tính nguyên tắc về những quyền chung, cơ bản của con người, công dân chính là Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 
Đặc biệt, Hiến pháp mới bổ sung những trường hợp có thể hạn chế quyền con người trong trường hợp cần thiết do luật định; bổ sung một số quyền mới của con người, công dân như quyền sống, quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, xác định dân tộc, sống trong môi trường trong lành…; tách quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân thành một điều riêng để khẳng định tầm quan trọng của quyền này; khẳng định rõ nguyên tắc suy đoán vô tội trong Hiến pháp: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”….
Về tổ chức bộ máy Nhà nước, Hiến pháp năm 2013 có nhiều bổ sung quan trọng đối với tất cả các thiết chế từ Quốc hội, Chủ tịch nước đến Chính phủ, TAND, VKSND… Đặc biệt, một nội dung được dư luận quan tâm trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vừa qua là chính quyền địa phương cũng có rất nhiều điểm mới. 
Việc đổi tên chương từ HĐND và UBND thành Chính quyền địa phương cùng với những thay đổi cụ thể về vị trí, tính chất, nhiệm vụ của Chính quyền địa phương trong từng điều khoản cho thấy Hiến pháp mới đã nhấn mạnh tính tự quản rất cao của chính quyền địa phương; thực sự đổi mới mô hình tổ chức, tạo không gian tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho chính quyền địa phương; góp phần khẳng định rõ nét hơn vị trí của chính quyền địa phương trong hệ thống hành chính thống nhất thông suốt của đất nước.
Ngoài ra, thiết chế Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước là 2 thiết chế hoàn toàn mới trong Hiến pháp, đều do Quốc hội thành lập. Việc hiến định các thiết chế này trong Hiến pháp cho thấy các nhà lập hiến mong muốn sẽ khắc phục những hạn chế của công tác bầu cử trong thời gian qua, chuyên nghiệp hóa hoạt động tổ chức bầu cử trong thời gian tới; phát triển kiểm toán nhà nước thực sự trở thành công cụ quan trọng và đủ mạnh của Nhà nước thực hiện kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản quốc gia…
Khối lượng công việc khổng lồ 
Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013 và chỉ hơn một tháng sau đã có hiệu lực thi hành. Với khoảng thời gian có thể nói là ngắn ngủi này, Quốc hội ngay lập tức đã thông qua Nghị quyết số 64/2013/QH13 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. 
Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra trong 2 ngày 23-24/12/2013 đã cho ý kiến về Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Và hơn một tuần sau đó – vào ngày 2/1/2014, UBTVQH lại tiếp tục có cuộc họp thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 64 của Quốc hội và thông qua Kế hoạch tổ chức thi hành Hiến pháp.
Cụ thể, Nghị quyết của UBTVQH hướng dẫn thi hành một số điểm như về việc phê chuẩn, quyết định gia nhập, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế, giao Chính phủ có trách nhiệm đề xuất với Chủ tịch nước để Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế. 
Về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giao Chính phủ trình UBTVQH quyết định, đồng thời giao trách nhiệm cho Ủy ban Pháp luật thẩm tra trước khi trình UBTVQH quyết định…
Gần đây nhất, tại Chỉ thị số 32-CT/TW về triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn và Ban Cán sự đảng các cơ quan tư pháp, các Bộ, ngành ở Trung ương, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt và chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 64/2013/QH13 và Kế hoạch tổ chức triển khai Hiến pháp của UBTVQH. 
Các cấp ủy, tổ chức Đảng đưa nội dung này vào sinh hoạt của chi bộ, Đảng bộ để quán triệt trong toàn thể Đảng viên về mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của việc tôn trọng, tuân thủ và chấp hành Hiến pháp cũng như nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình trong việc triển khai thi hành Hiến pháp.
Chỉ thị cũng nêu rõ, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương lãnh đạo, kiểm tra việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tăng cường phối hợp, tập trung lãnh đạo việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp; chú trọng rà soát, kịp thời sửa đổi, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp…

Đọc thêm