Tích cực hướng dẫn mô hình liên thông khai sinh “3 trong 1”

(PLO) - Thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đang gấp rút phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC): Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi nhằm sớm đưa mô hình đầy tiện ích này phát huy hiệu quả rộng rãi. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cán bộ tư pháp cơ sở đang rất mong chờ Thông tư ra đời với mục đích “cầm tay chỉ việc” để giúp người dân hưởng lợi từ việc đăng ký khai sinh “3 trong 1”.
Dân được quyền lựa chọn
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan cho biết, Dự thảo Thông tư nêu rõ, người dân có yêu cầu giải quyết các TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi có quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng thực hiện liên thông các TTHC này, đồng thời cũng được quyền lựa chọn 2 trong số 3 TTHC trên. 
Theo đó, nếu chọn thực hiện liên thông cả 3 TTHC, người dân cần nộp Tờ khai đăng ký khai sinh; Giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi trẻ em sinh ra cấp; Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Sổ hộ khẩu của cha, mẹ hoặc Sổ hộ khẩu của mẹ/cha tùy trường hợp trẻ em đăng ký thường trú theo mẹ/cha hoặc Sổ hộ khẩu của người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ đối với trẻ em không có cha, mẹ. 
Trường hợp trẻ em có cha, mẹ nhưng không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có ý kiến bằng văn bản của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của UBND cấp xã; ý kiến đồng ý của chủ hộ và Sổ hộ khẩu của chủ hộ. Trên cơ sở thông báo của cơ quan Bảo hiểm xã hội, người dân lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu cho trẻ em và thông báo trực tiếp cho cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ biết.
Trường hợp chọn liên thông hai TTHC đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, người dân chỉ cần nộp Tờ khai đăng ký khai sinh; Giấy chứng sinh và chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu cho trẻ em. Ngoài ra là nộp bản sao kèm theo bản chính Sổ tạm trú của cha, mẹ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em (trường hợp trẻ em đăng ký khai sinh theo nơi tạm trú của cha mẹ hoặc của cha, mẹ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em) để làm căn cứ xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh. 
Riêng với Giấy chứng sinh, Dự thảo Thông tư hướng dẫn rõ, nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Nếu không có người làm chứng, người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, Biên bản trẻ em bị bỏ rơi thay thế cho giấy chứng sinh hoặc văn bản xác nhận hoặc giấy cam đoan; trường hợp trẻ em là con nuôi sẽ phải có Giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
Không những thế, Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về việc tiếp nhận hồ sơ, trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ; về việc chuyển hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC giữa các cơ quan có thẩm quyền; việc giải quyết từng TTHC tại cơ quan có thẩm quyền; về thời hạn thực hiện liên thông và nhận kết quả. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, cư trú, bảo hiểm y tế; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền giải quyết các TTHC cũng được phân định cụ thể.
Cần nghiên cứu để bảo vệ tối đa quyền của mọi trẻ em
Tán thành sự cần thiết ban hành Thông tư trên, đại diện Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng đề nghị cần bổ sung trường hợp trẻ em đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp (có yếu tố nước ngoài). Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Long An đề nghị xem xét bổ sung quy trình đăng ký khai tử và xóa hộ khẩu thường trú vào trong Dự thảo Thông tư liên tịch (mở rộng phạm vi so với Quyết định số 1299/QĐ-TTg). 
Mặc dù các kiến nghị trên chưa được thể hiện trong Dự thảo Thông tư liên tịch được thể hiện theo ý kiến thứ nhất, nhưng ông Phan nhấn mạnh: “Để đáp ứng yêu cầu cải cách TTHC, trong thời gian tới Cục Kiểm soát TTHC và các đơn vị có liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến đề xuất của Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng và Sở Tư pháp tỉnh Long An để đưa ra các phương án đơn giản hóa TTHC”.
Bên cạnh đó, hiện có một số ý kiến khác nhau về cách thức chuyển trả thẻ bảo hiểm y tế của cơ quan Bảo hiểm xã hội cho UBND cấp xã. Có ý kiến phân tích: Theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện việc trả thẻ bảo hiểm tế cho trẻ em tại Bộ phận một cửa. 
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu cải cách TTHC, đồng thời bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong việc phối kết hợp giải quyết TTHC giữa các cơ quan có thẩm quyền thì nên quy định theo hướng mở rộng thêm cách thức chuyển trả thẻ bảo hiểm y tế để cơ quan Bảo hiểm xã hội tự lựa chọn sao cho phù hợp điều kiện thực tế của cơ quan mình. 
Ngược lại, có quan điểm thẳng thắn cho rằng, không nên quy định nhiều hình thức chuyển trả thẻ bảo hiểm y tế cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, vì như vậy dễ tạo ra sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, thẻ bảo hiểm y tế sẽ không được chuyển trả kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ.

Đọc thêm