Tiếp tục lùi thời hạn trình dự án Luật Biểu tình

(PLO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XIV, hôm qua (26/7), QH đã thảo luận về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2017.
Tiếp tục lùi thời hạn trình dự án Luật Biểu tình

Theo Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đối với 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết của QH và 1 dự án pháp lệnh. Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm 29 dự án luật, 1 dự án nghị quyết của QH, 1 dự án pháp lệnh.

Dự án Luật Biểu tình đã được đưa vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII để thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu nên đã lùi thời gian trình dự án Luật này. Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn ý kiến khác nhau, hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó chưa đủ cơ sở để báo cáo QH đưa dự án này vào Chương trình.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng việc ban hành Luật Biểu tình là nhằm triển khai Hiến pháp 2013 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân đã được đề ra trong các nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị. “Đây là quyền hiến định nên trước hết chúng ta phải làm luật để tạo hành lang pháp lý cho nhân dân thực hiện quyền và Nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình. Chưa có luật là Nhà nước nợ nhân dân”, ĐB Nghĩa đề nghị đưa dự án Luật này vào thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 của năm 2017 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 hoặc 6 năm 2018.

ĐB Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) thì cho rằng nếu giao Bộ Công an trực tiếp chủ trì soạn thảo dự án luật này thì có thể làm khó cho Bộ Công an vì Bộ này trực tiếp tham mưu giúp việc cho Chính phủ về đảm bảo an ninh trật tự. ĐB Xuyền đề xuất Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp trực tiếp chủ trì soạn thảo còn Bộ Công an đóng vai trò thẩm định, phản biện. “Như thế có thể tiến độ xây dựng Luật này được cải thiện”, ông nhận định.

Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua tuy có tiến bộ nhưng còn nhiều hạn chế, như tiến độ trình dự án luật còn chậm, chất lượng chuẩn bị các dự án luật chưa tốt nên phải rút lại hay điều chỉnh thời gian trình. Nói về nguyên nhân, ĐB này đặt câu hỏi “phải chăng là vì không có ai phải chịu trách nhiệm?”.

ĐB Thúy đề nghị xem xét có hay không nguyên nhân liên quan đến vấn đề tài trợ, vì một số dự án luật ban hành chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, chất lượng không cao. ĐB Thúy đề nghị QH thời gian tới xem xét đánh giá nghiêm túc hơn việc thực hiện nghị quyết của QH, trường hợp dự án luật trình không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng thì không đưa vào chương trình thẩm tra của phiên họp UBTVQH, phiên họp QH; đồng thời kiến nghị cơ quan có trách nhiệm xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trình, cơ quan soạn thảo có dự án luật không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng./.

Đọc thêm