Tiếp tục tăng cường năng lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

(PLO) -Hôm qua (21/11), tại Bắc Ninh, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2015 – 2020 (sau đây gọi là Chương trình 585) đã tổ chức Hội nghị trao đổi kết quả hoạt động năm 2017 và đề xuất đổi mới mô hình hoạt động của Tổ Thư ký Chương trình 585 năm 2018. 
Tiếp tục tăng cường năng lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên và cao nhất của Nhà nước ta trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Qua gần 10 năm thực hiện, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ pháp lý cho DN trong việc tiếp cận thông tin pháp lý nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình; hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh và từng bước hội nhập kinh tế, quốc tế, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với DN bằng pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy Nghị định 66 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN cũng như chưa đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của các DN. Nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn và cụ thể hóa Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017, việc xây dựng dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho DN thay thế Nghị định số 66 là hết sức cần thiết.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN, ông Trần Minh Sơn (Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp) nêu rõ, công tác này thời gian qua đã nhận được nhiều thuận lợi khi Đảng và Nhà nước dành nhiều quan tâm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Đặc biệt, ngày 12/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Cùng với đó, các tổ chức đại diện của DN đã dành nhiều quan tâm hơn đối với các cơ chế hỗ trợ pháp lý cho DN do Nhà nước ban hành với 92% tổ chức đại diện cho DN được khảo sát trả lời quan tâm và triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN. Hiện nay, với gần 500.000 DN đang hoạt động, DN rất quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp lý cho DN với 95% DN được Bộ Tư pháp khảo sát năm 2017 trả lời rất quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN.

Song, thực tế triển khai cho thấy các nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN được thực hiện còn gặp nhiều khó khăn cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ở các bộ và cơ quan ngang bộ, kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác này thời gian qua. Nhân lực triển khai trực tiếp cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN đa số là kiêm nhiệm, các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư còn thiếu và chất lượng dịch vụ pháp lý chưa cao.

Để phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những vướng mắc, tồn tại, Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Chương trình 585 sẽ tập trung vào một số nội dung gồm tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN; hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho DN; hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho DN trên một số hoạt động cụ thể.

Tới đây cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 66 theo hướng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN được thực hiện xuyên suốt theo nội dung của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017, hỗ trợ pháp lý cho DN trong việc tiếp cận tín dụng, đất đai, vốn…; sửa đổi Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP trong vấn đề tài chính công tác hỗ trợ pháp lý cho DN phù hợp với thực tiễn triển khai các hoạt động. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường bố trí kinh phí thường xuyên cho hoạt động hỗ trợ pháp lý DN, huy động mạnh mẽ các nguồn tài trợ của các tổ chức nước ngoài để thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa tới việc sắp xếp, bố trí nhân sự chuyên trách trong công tác quản lý nhà nước hỗ trợ pháp lý cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, DN sáng tạo đến năm 2020, định hướng sau năm 2020.

Đọc thêm