Tố tụng trọng tài ngày càng được tin dùng

(PLO) - Hôm qua (9/9), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm thi hành Luật Trọng tài thương mại. Một trong những kết quả đạt được đáng chú ý là tố tụng trọng tài đang ngày càng được doanh nghiệp lựa chọn trong giải quyết các tranh chấp.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
Thực hiện quy định của Luật Trọng tài thương mại (TTTM), các Trung tâm Trọng tài đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, khuyến khích, vận động các cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp của mình. 
Theo số liệu thống kê, trong 4 năm (từ năm 2011 đến 30/6/2015), các Trung tâm Trọng tài đã thụ lý 879 vụ việc và đã ban hành 586 phán quyết trọng tài. Nổi bật là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã thụ lý, giải quyết 226 vụ, trung bình hơn 70 vụ/năm (tăng lên 30% so với trước khi có Luật TTTM); Trung tâm Trọng tài TP.HCM (TRACENT) thụ lý, giải quyết 291 vụ, trung bình hơn 70 vụ/năm...
Trong số các vụ việc mà các Trung tâm Trọng tài đã thụ lý, giải quyết thì số vụ việc do VIAC thụ lý, giải quyết đa dạng hơn so với các Trung tâm Trọng tài khác như mua bán hàng hóa, xây dựng, sở hữu trí tuệ, lao động, phân phối, đại lý và trung gian, bảo hiểm thương mại, đầu tư nước ngoài, tranh chấp hàng hải, tín dụng và thanh toán quốc tế… 
Các vụ việc của các Trung tâm còn lại chủ yếu là mua bán hàng hóa. Ngoài ra, thời gian gần đây, Trung tâm Trọng tài thường giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với công ty tài chính cho vay tiêu dùng, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa (trong năm 2013, 2014, TRACENT đã giải quyết 178 vụ, Trung tâm TTTM Đông Dương đã giải quyết 176 vụ).
Tuy nhiên, số lượng vụ tranh chấp thương mại do các Trung tâm TTTM Việt Nam giải quyết trong 4 năm qua là rất ít so với nhu cầu của thực tiễn trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Đáng buồn là số vụ tranh chấp giải quyết bằng trọng tài tại Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trên tổng số vụ tranh chấp thương mại được Tòa án thụ lý, xét xử (năm 2013 có 14.767 vụ tranh chấp thương mại đã được TAND giải quyết ở cấp sơ thẩm). Ngoài một số Trung tâm “tập trung” nhiều việc, các Trung tâm Trọng tài khác chỉ giải quyết từ 5 đến 10 vụ/năm, thậm chí có Trung tâm hầu như không giải quyết vụ việc nào kể từ khi thành lập đến nay. 
Trước thực trạng trên, các đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tăng tính hấp dẫn của tố tụng trọng tài. Chẳng hạn như tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các trọng tài viên nước ngoài, luật sư nước ngoài trong tố tụng trọng tài; cho phép công bố một phần phán quyết trọng tài nếu các bên tranh chấp không phản đối... Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa tăng cường vai trò hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động trọng tài và trong vấn đề này đòi hỏi phải có cam kết chính trị.

Đọc thêm