Tòa không được từ chối giải quyết nhưng cũng không thụ lý tràn lan

(PLO) - Phát biểu tại Hội thảo “Bình luận về những điểm mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn thi hành” do Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức mới đây, Chánh Tòa Hành chính TAND Cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh, Bộ luật quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” nhưng cần phải hiểu rằng: việc thụ lý của Tòa vẫn có giới hạn nhất định.
Tòa không được từ chối giải quyết nhưng cũng không thụ lý tràn lan

Hạn chế tối đa việc giải thích, hướng dẫn

Là người đã trực tiếp giải đáp thắc mắc về một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) tại nhiều hội nghị tập huấn, hội thảo…,  TS. Nguyễn Văn Cường cho biết, hiện nay, qua tổng hợp các ý kiến, chúng tôi vẫn chưa thấy có quy định nào của Bộ luật bị “vướng”. Dù Bộ luật có rất nhiều điểm mới nhưng tất cả các điều luật của BLTTDS 2015 đều có thể áp dụng thực hiện ngay khi Bộ luật có hiệu lực thi hành. Đây là quan điểm từ khi xây dựng luật của Ban soạn thảo.

Dẫn chứng một vấn đề được nhiều người quan tâm là quy định tại khoản 2 Điều 4 (“Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”), TS Cường nhấn mạnh, việc giải quyết vụ việc dân sự loại này đã được quy định từ Điều 43 đến Điều 45. Theo đó, khi giải quyết những vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng, Tòa án căn cứ theo thứ tự sau đây để áp dụng: nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (tập quán, nguyên tắc tương tự); Vì lẽ công bằng; Án lệ. 

Theo quy định này, khi không có điều luật cụ thể để áp dụng thì căn cứ vào nguyên tắc chung trong Bộ luật để áp dụng. Trường hợp không có nguyên tắc điều chỉnh thì Thẩm phán có quyền lựa chọn phương án giải quyết dựa trên nguyên tắc công bằng cho các bên. Án lệ là bản án quyết định được hình thành trước đó, trường hợp không có luật thì án lệ sẽ được hình thành trên nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, vì lẽ công bằng, Tòa án vận dụng bản án, quyết định án lệ để giải quyết. 

Không phải khởi kiện nào cũng được Tòa thụ lý

Tuy nhiên, theo TS Cường, không phải mọi khởi kiện, mọi yêu cầu nào thì Tòa án cũng thụ lý giải quyết. Bộ luật đã giới hạn vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng mà Tòa thụ lý giải quyết trước hết phải là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự… Còn những tranh chấp, yêu cầu khác không phải là dân sự thì Tòa án sẽ không thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. 

Cụ thể hóa nguyên tắc  “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, từ Điều 26 đến Điều 33 BLTTDS 2015 quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, các yêu cầu về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tổ chức khác.

Theo Giảng viên Phan Thanh Dương (Trường ĐH Luật Hà Nội) thì trong các quan hệ tranh chấp trên đây, đáng chú ý là việc Bộ luật quy định thêm hai quan hệ tranh chấp nhằm phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Luật cạnh tranh. Đó là các tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước;  tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. 

Ủng hộ quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, TS Trần Phương Thảo (Trường Đại học Luật Hà Nội) cũng đánh giá, nguyên tắc này mang tính đột phá và tiến bộ rất lớn trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật tố tụng dân sự bởi từ trước đến nay, trong tư duy của chúng ta phải có luật để áp dụng. Điểm mới này thể hiện pháp luật tố tụng dân sự đang hòa nhập với xu thế lập pháp của các nước phát triển là bảo vệ tuyệt đối quyền con người, quyền công dân mà cụ thể là quyền khởi kiện của đương sự. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là một thử thách lớn cho ngành Tòa án trong thời gian tới. 

Đọc thêm