Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Ngành Tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử

(PLO) - Sáng 14/1, tại Hà Nội, TANDTC đã khai mạc Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, Thanh tra Chính phủ. Về phía TAND, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức tập trung kết hợp với trực tuyến giữa điểm cầu trung tâm tại Hà Nội với 778 điểm cầu tại Tòa án quân sự TW và TAND trên toàn quốc.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC nhấn mạnh: Năm 2018, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội, với sự giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành, cấp ủy chính quyền các cấp, hệ thống Tòa án đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực đổi mới, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, đặc biệt là chất lượng công tác xét xử được nâng lên. Vị trí, vai trò của hệ thống Tòa án trong hoạt động tư pháp tiếp tục được tăng cường; hình ảnh, uy tín của Tòa án trước Đảng, Nhà nước và nhân dân được khẳng định.

Theo báo cáo trình bày tại Hội nghị, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, TAND các cấp đã thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá, thiết thực để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Đặc biệt, triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ việc dân sự và hành chính.

Kết quả 6 tháng thí điểm cho thấy đã có 76,6% số vụ việc được hòa giải, đối thoại thành. Hiện nay, TANDTC đang nhân rộng thí điểm mô hình này tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng tại Tòa án để trình Quốc hội.

Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác giải quyết, xét xử trong nửa đầu nhiệm kỳ và năm 2018 đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các Tòa án đã giải quyết 1.379.709 vụ, đạt tỷ lệ 95,9%; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi của Tòa án giảm dần qua các năm (năm 2016 là 1,3%; năm 2017 là 1,2% và năm 2018 là 1,14%), đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội; chất lượng xét xử được bảo đảm. Nhiều vụ án, nhiều bị can bị khởi tố tại phiên toà; các kiến nghị của Hội đồng xét xử đảm bảo chính xác, phù hợp với tình tiết vụ án và được các cơ quan liên quan chấp nhận.

Đồng thời hệ thống Tòa án cũng đã tích cực tham gia hoàn thiện thể chế; đổi mới và tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật và phát triển án lệ;; việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; 

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, như: Tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính thấp; Một số vụ án được giải quyết chưa đúng pháp luật, kéo dài; Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn thấp; Tổ chức bộ máy của các Tòa án còn bất cập, chưa hợp lý…

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, TANDTC đặt ra các mục tiêu đối với công tác trong thời gian tới, trong đó tiếp tục thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tòa án; Tích cực tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các chủ trương, biện pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đề nghị, ngành Tòa án cần đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, có tấm lòng nhân ái.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đề nghị, ngành Tòa án cần đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, có tấm lòng nhân ái. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã chúc mừng các thành tích và trân trọng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, những đóng góp thiết thực của ngành Tòa án. Theo đó từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong năm 2018, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, Tòa án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử; đã có những bước phát triển mới, đạt được những thành tích quan trọng trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp.

Đặc biệt, trong 3 năm qua, nhất là năm 2018, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tội phạm tham nhũng đang từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Riêng năm 2018, đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn như: Vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Đinh La Thăng, vụ Phạm Công Danh, vụ Hà Văn Thắm, vụ Trần Phương Bình, vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm)… Từ năm 2016 đến năm 2018, các tòa án đã xét xử đạt tỷ lệ 93,5% về số vụ, 93,6% số bị cáo phạm các tội tham nhũng, thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác.

Ghi nhận những kết quả, thành tích ngành tòa án đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cũng nêu rõ, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Do đó, ngành tòa án nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót; tập trung thảo luận, phân tích kỹ nguyên nhân, thấy rõ hơn trách nhiệm, tìm ra những giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác.

Năm 2019 có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng thời bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trọng trách của các tòa án là cần tập trung thực hiện khẩn trương hơn các yêu cầu cải cách tư pháp; những nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế thấp nhất các bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan. Tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết, nhất là việc áp dụng các biện pháp tư pháp và xác định đúng trách nhiệm dân sự của tội phạm, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. 

Khi phát hiện các bản án sai sót phải kiên quyết khắc phục, thành tâm nhận khuyết điểm, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân. Kiên quyết khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đề nghị, ngành tư pháp chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng ngành, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, có tấm lòng nhân ái.

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tòa án. Chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho tòa án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao năng lực trong các hoạt động của ngành trong cả nước.  

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, 14 - 15.1

Đọc thêm