TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung chế tài đối với trường hợp lợi dụng khiếu nại tố cáo trong Thi hành án dân sự

(PLVN) -Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM xác định công tác giải quyết khiếu nại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo tính minh bạch của hệ thống cơ quan THADS, đảm bảo quá trình thi hành án được giám sát kịp thời; ngăn chặn, chấn chỉnh và khắc phục những thiếu sót, vi phạm của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan THADS. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung chế tài đối với trường hợp lợi dụng khiếu nại tố cáo trong Thi hành án dân sự

Các cơ quan THADS tại TP. Hồ Chí Minh luôn có số việc, số tiền hàng năm phải thụ lý thi hành nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước (về việc chiếm tỷ lệ khoảng 13% trên cả nước, về tiền chiếm tỷ lệ khoảng 35% trên cả nước) với rất nhiều vụ án lớn, phức tạp, được các cấp, các ngành và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Vì lẽ đó, đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng phát sinh nhiều, với nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài.

Trong năm 2020, Cục THADS Thành phố tiếp nhận tổng cộng 1.293 đơn các loại, sau khi phân loại đơn thì số tổng việc khiếu nại, tố cáo phải giải quyết là 217 việc (giảm 01 việc so với năm 2019), trong đó: khiếu nại là 186 việc, tố cáo là 31 việc. Tổng số việc khiếu nại, tố cáo đã phân loại, giải quyết xong là 214/217 việc, đạt tỷ lệ 99%. Trong đó, khiếu nại thuộc thẩm quyền của Cục trưởng: 76 việc (tăng 02 việc so với năm 2019). Đã giải quyết xong: 74 việc, đạt tỷ lệ 97,37% (tăng 10 việc so với năm 2019): Đình chỉ: 12 việc; Khiếu nại đúng toàn bộ: 07 việc; Khiếu nại đúng một phần: 02 việc; Khiếu nại sai toàn bộ: 53 việc. Chuyển kỳ sau: 02 việc (giảm 08 việc so với năm 2019).

Đối với giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Cục trưởng: 05 việc (tăng 01 việc so với năm 2019). Đã tham mưu giải quyết xong: 04 việc, đạt tỷ lệ 80%, trong đó: Đúng toàn bộ: 02 việc; Sai toàn bộ: 02 việc. Chuyển kỳ sau: 01 việc (tăng 01 việc so với năm 2019).

Theo Cục THADS TP.HCM, các đơn khiếu nại, tố cáo tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây: Vi phạm về thời hạn ra quyết định thi hành án;Ra quyết định thi hành án không đúng, không đủ các nội dung trong quyết định, bản án của Tòa án hoặc thừa nội dung so với đơn yêu cầu của người được thi hành án;Ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án không đúng quy định; Không ra quyết định về thi hành án theo đúng quy định.

Khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện thông báo, tống đạt các văn bản, quyết định về thi hành án không đúng quy định, vi phạm Điều 39 Luật THADS;  Khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án không đúng quy định; Khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tổ chức cưỡng chế, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án không đúng quy định; Khiếu nại, tố cáo liên quan đến vi phạm về việc thẩm định giá, bán đấu giá, chậm giao tài sản cho người trúng đấu giá; Khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thanh toán và thu chi tiền thi hành án; Đòi bồi thường thiệt hại do thi hành án trái pháp luật gây ra; Không giải quyết khiếu nại, giải quyết không phù hợp với các quy định của pháp luật

Trong các loại khiếu nại, tố cáo thường gặp nêu trên, khiếu nại, tố cáo nổi cộm, bức xúc và còn tồn đọng nhiều nhất là liên quan đến việc kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản và cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá.

Theo Cục THADS TP.HCM, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng quy định toàn diện, rõ ràng, minh bạch mang tính ổn định, chuẩn mực, nhất quán và hệ thống nhằm giúp cho mọi người dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ vận dụng. Có như vậy thì mới loại trừ được những mâu thuẫn, chồng chéo và việc xác định đúng sai trong thi hành nhiệm vụ của công chức trở nên dễ dàng, minh bạch và hạn chế được khiếu nại, tố cáo.

Cạnh đó, cần bổ sung quy định về các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với trường hợp lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo, nhất là những đối tượng “đi kiện thuê”, “viết đơn thuê” với những lời lẽ xúc phạm cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, xúi giục công dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối, cản trở việc thi hành án; trường hợp đã được người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là trường hợp cố tình khiếu nại, tố cáo để kéo dài, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. 

Đọc thêm