Trăn trở giải bài toán “án tồn đọng”

(PLO) - Chưa bao giờ công tác thi hành án dân sự (THADS) được quan tâm như hiện nay và cũng chưa bao giờ vị thế của cơ quan THADS được khẳng định như trong giai đoạn này. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của những người làm công tác THADS là làm sao hạn chế thấp nhất lượng án tồn đọng…
Trăn trở giải bài toán “án tồn đọng”
Là năm “kết quả thi hành án (THA) xong đạt cao nhất từ trước đến nay, tăng 24,71% về việc và 180% về giá trị so với năm 2012”, song năm 2013 qua báo cáo của Tổng cục THADS vẫn còn 239.144 việc chuyển sang năm 2014, tương ứng với số tiền gần 42 ngàn tỷ đồng, tăng 9.430 việc (4,10%) tương ứng với trên 13 ngàn tỷ (47,16%) so với số chuyển kỳ sau của năm 2012 chuyển sang năm 2013. 
Đây thực sự là con số khiến không chỉ những người làm công tác THADS phải trăn trở mà là mối quan tâm của toàn xã hội khi một bản án không thi hành được trên thực tế nghĩa là công lý sẽ chưa được thực thi đến cùng và quyền lợi của các bên đương sự trong bản án vẫn chưa được đảm bảo.
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Hội nghị THADS, hôm qua, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành đã nói về sự bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có cả Luật THADS: “Ngày xưa cứ phạm tội về ma túy là Tòa tuyên phạt 20 triệu đồng. Nhưng nhiều người trong số đó chỉ là đi vận chuyển ma túy thuê, cơm không có ăn, nhà không có ở lấy đâu ra mấy chục triệu thi hành”. 
Vì thế, các bản án dạng này cứ ngày một dày thêm mà chưa có cơ chế xử lý. Khi Luật THADS có hiệu lực thi hành, việc miễn giảm THA được quy định trong luật thì số lượng việc này cũng đã giảm nhưng không nhiều. Lý do là theo quy định phải thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành nộp ngân sách nhà nước mới có căn cứ xét miễn, giảm THA. 
Nghị định 125/CP sửa đổi Nghị định 58/CP hướng dẫn thi hành Luật, mức này hiện nay là 1/50. Dù đã nới lỏng hơn song điều kiện này cũng rất khó thực hiện đối với nhóm đối tượng đã cùng kiệt. Tiền không thu về được, mỗi năm cơ quan THADS còn tốn nhiều sức người, sức của cho các hoạt động xác minh điều kiện THA của đương sự.
Sửa Luật THADS và hệ thống pháp luật liên quan là vấn đề mang tính lâu dài, tuy nhiên, sự trông đợi trước mắt của xã hội vào công tác THADS là làm sao hạn chế thấp nhất tỷ lệ án dân sự tồn đọng do lỗi chủ quan. Nhận thức đúng về vấn đề này nên nhiều năm trở lại đây, các giải pháp hạn chế án tồn đã được triển khai khá đồng bộ và quyết liệt trong toàn bộ hệ thống THADS, mà trước hết từ chính khâu xác minh, phân loại án. Bởi, việc phân loại án có đảm bảo sự chính xác mới tránh được tình trạng biến án có thành án không có điều kiện thi hành. 
Nhìn lại năm 2013 vừa qua cũng cho thấy, công tác xác minh, phân loại án dân sự có tiến bộ rất nhiều so với năm 2012 và những năm trước đây (về việc cao hơn năm 2011 là 9,52% và năm 2012 là 8,40%; về tiền lần lượt cao hơn là 18,36% và 25,01%). Công tác kiểm tra việc phân loại án cũng được tăng cường ở hầu khắp các địa phương trên toàn quốc.
Để hạn chế thấp nhất án tồn đọng, các địa phương đã chủ động tìm nhiều giải pháp. Năm 2013 là năm được coi là các sáng kiến THA “lên ngôi” vì đây cũng là năm đầu tiên toàn ngành thực hiện chỉ tiêu Quốc hội giao. Có thể kể đến là các đợt cao điểm THA chiến dịch biệt phái chấp hành viên, là mô hình tổ giải quyết án tồn đọng... nhờ thế mà tỷ lệ án tồn đọng ngày một giảm. 
Hạn chế án tồn đọng ngoài tinh thần trách nhiệm, năng lực trình độ chấp hành viên thì rất cần thiết tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan THA sẽ không thể thi hành một bản án nếu như trước khi tuyên án, đương sự đã tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ. Do đó, khâu kê biên để đảm bảo THA phải được tiến hành kịp thời. Bên cạnh đó, sự phối hợp tốt từ cơ sở cũng là yếu tố rất quan trọng để hạn chế việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản THA.
Ngoài sự chủ động trong công việc, để đạt các chỉ tiêu được giao, trong đó có án tồn đọng thì nói như Cục trưởng Cục THADS TP.Hồ Chí Minh:  “Địa phương vẫn mong ngành có những giải pháp đột phá trong năm mới, một năm dự báo kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn”.
Năm 2014, các cơ quan THADS sẽ tập trung giải quyết có hiệu quả số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; tổng hợp, rà soát những vụ việc còn tồn đọng để tập trung xử lý; nâng cao chất lượng và tiến độ công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, phức tạp; khắc phục những vi phạm thiếu sót về chuyên môn, nghiệp vụ.
(Báo cáo tổng kết công tác THADS 2013)

Đọc thêm