Tranh cãi việc tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép khi uống rượu, bia lái xe

(PLVN) - Chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì họp Ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). 
Tranh cãi việc tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép khi uống rượu, bia lái xe

Điểm lại những vấn đề cần xin ý kiến và một số vấn đề cần tập trung thảo luận, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC và TDTHPL Nguyễn Khánh Hà bày tỏ sự mong muốn các đại biểu, chuyên gia tham dự cuộc họp đưa ra những ý kiến, giải pháp các vấn đề lớn trong Luật. Cụ thể là bổ sung một số hình thức xử phạt mới trong Luật như tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (để xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực an toàn giao thông); buộc lao động phục vụ cộng đồng…; bổ sung thẩm quyền xử phạt cho các chức danh mới chưa được quy định trong Luật XLVPHC; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính..

Liên quan đến việc có nên tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, ông Trương Hồng Dương, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng cần phải tìm hiểu các chế tài xử phạt của nước ngoài. Theo đó, ông Dương đưa ra ý kiến cho rằng cần phải áp dụng hình phạt xử lý các trường hợp sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thật nghiêm túc, nhưng cũng không cần phải quá nghiêm khắc. Do đó, ông Dương đề xuất giải pháp không nên tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn mà nên kéo dài thời gian xử phạt đối với trường hợp sử dụng rượu, bia khi lái xe và tăng thời hạn xử phạt lên cao hơn đối với trường hợp sử dụng ma túy, chất gây nghiện.  

Đồng ý với ý kiến cho rằng việc tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng cho rằng đây chưa phải là giải pháp căn cơ, triệt để, vì “phần gốc” của vấn đề là công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, cấp phép cho các doanh nghiệp vận tải, kiểm định phương tiện vận tải, công tác hậu kiểm… Vì vậy, ông Tụng đồng ý với phương án không bổ sung một số hình thức xử phạt mới trong dự thảo Luật. 

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật XLVPHC thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với các đối tượng vi phạm “02 lần trở lên trong 06 tháng” thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì các đối tượng thực hiện hành vi như trộm cắp tài sản (Điều 173), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174)… nếu bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Điều này dẫn đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau, do đó, ông Tụng nêu ý kiến cần xem xét thật cẩn thận. Đồng thời nên phân loại trường hợp nào nên xử lý theo Bộ luật hình sự, trường hợp nào nên xử theo Luật XLVPHC. Nếu bỏ quy định ở Luật XLVPHC để theo Bộ luật hình sự cho thống nhất, đồng bộ thì càng phải xem xét, rà soát thật kỹ. 

Ngoài ra, các đại biểu, chuyên gia tham dự cuộc họp cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, phương hướng giải quyết cho các vấn đề lớn trong dự thảo.

Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh mục đích sửa đổi Luật là để sửa những nội dung gây vướng mắc, khó khăn trực tiếp trong thực tiễn thi hành pháp luật và XLVPHC trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng cũng cho rằng vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên việc bổ sung hình thức xử phạt mới phải nghiên cứu thêm, việc tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hay không cần phải bàn bạc kỹ lưỡng để quy định sao cho phù hợp. Về thẩm quyền xử phạt cho các chức danh mới thì cần phải bổ sung vì còn nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện do việc thay đổi vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của rất nhiều cơ quan như Bộ Công an, Bộ Công thương, Kiểm toán Nhà nước…  

Về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhất trí thẩm quyền để Quốc Hội quy định, vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết lần sửa đổi này sẽ cố gắng để có những điều chỉnh về trách nhiệm hành chính của độ tuổi từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, có sự phù hợp để không chồng chéo mẫu thuẫn giữa quy định của Bộ luật hình sự và Luật XLVPHC. 

Đọc thêm