Trẻ sơ sinh bị trao nhầm tại bệnh viện: Danh phận nào cho con?

(PLO) - Trong nhiều trường hợp, sau khi phát hiện việc bị trao nhầm con, các gia đình đã tự liên lạc với nhau để nhận lại con đẻ của mình và tìm đến các cơ quan chức năng nhằm sửa đổi, hoàn thiện thủ tục hộ tịch cho con. Nhưng với những đứa con không tìm được cha mẹ ruột thì pháp luật lại chưa có quy định rõ ràng về danh phận khiến họ phải chịu không ít ấm ức và thiệt thòi.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Nỗi đau chưa được thừa nhận

Đơn giản rằng lúc này, sau khi biết sự thật thì người con đó không còn là con đẻ của cha mẹ bị nhận nhầm, chúng cũng không phải là con nuôi, vì không được nhận nuôi theo đúng quy định của Luật Nuôi con nuôi.

“Trường hợp trao nhầm con, sau đó đã được trao trả và làm các thủ tục pháp lý thì coi như họ không còn quan hệ huyết thống và nuôi dưỡng nữa. Vì vậy, nếu cha mẹ muốn nhận làm con nuôi để được pháp luật công nhận thì cần phải tuân thủ quy định về Luật Nuôi con nuôi” - ông Bùi Đức Độ, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang cho biết.

Quy định về nuôi con nuôi chỉ phù hợp với trường hợp ngay từ đầu cha mẹ đã có ý định (chủ động) nhận trẻ em làm con nuôi và đó là đứa trẻ còn nhỏ tuổi. Còn với những đứa con bị trao nhầm mà đến thời điểm phát hiện ra vụ việc, chúng đã trưởng thành, thậm chí đã vài chục tuổi, như chị Lê Thanh Hiền (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, người cách đây 29 năm bị trao nhầm lúc mới lọt lòng tại nhà hộ sinh quận Đống Đa, Hà Nội), hay chị Tạ Thị Thu Trang (42 tuổi, bị trao nhầm tại nhà hộ sinh Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội) thì hoàn toàn lâm vào thế bế tắc.

Bởi theo Điều 8 của Luật này thì người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi, nếu từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có những điều kiện nhất định. 

Không ai chắc ngoài những trường hợp trẻ sơ sinh bị trao nhầm được phát hiện trong thời gian vừa qua, sẽ không còn trường hợp tương tự nào bị trao nhầm trong thời gian tới (và có cả những trường hợp đã bị trao nhầm từ trước đây rất lâu nhưng đến giờ vẫn chưa được phát hiện).

Vậy với những trường hợp này, thời điểm các gia đình phát hiện ra việc nhận nhầm con cách thời điểm Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực quá 5 năm, thậm chí hàng chục năm thì sẽ giải quyết ra sao? “Rõ ràng, trong khi không còn là con đẻ và cũng không được giải quyết cho làm con nuôi vì quá thời hiệu (mà cha mẹ đẻ vẫn chưa tìm thấy) thì nỗi đau dường như nhân đôi với những người con thiếu may mắn ngay từ lúc lọt lòng mẹ”- một chuyên gia tâm lý nhận xét.

Trao nhầm con luôn để lại những hậu quả pháp lý đau lòng (Ảnh minh họa)
Trao nhầm con luôn để lại những hậu quả pháp lý đau lòng (Ảnh minh họa)

Cần sửa luật để con được làm con

Có thể, khi đã biết rõ sự thật thì chẳng cha mẹ nào nỡ bỏ đứa con dù không rứt ruột đẻ ra nhưng đã có công chăm bẵm từ lúc mới chào đời, nhưng pháp luật thì lại rất “sòng phẳng”. Cha mẹ vất vả nuôi con gần nửa đời người thật đấy, con cũng có công chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi xế chiều, nhưng về mặt pháp lý, quan hệ giữa cha mẹ và đứa con này dường như chẳng có bất kỳ mối dây liên hệ nào.

Cũng vì họ không phải là cha, mẹ - con theo huyết thống, cũng chẳng phải quan hệ con nuôi với cha mẹ nuôi theo quy định của pháp luật nên đương nhiên họ không có quyền thừa kế tài sản của nhau  theo pháp luật. Và đây cũng là một bất cập lớn hiện chưa có lời giải. 

Trong quan hệ hôn nhân - gia đình, pháp luật nước ta không phân biệt giữa con đẻ và con nuôi, bởi vậy khi chia thừa kế theo pháp luật thì quyền lợi và nghĩa vụ giữa con đẻ và con nuôi cũng sẽ ngang nhau. Nhưng vì danh phận không rõ ràng nên trong trường hợp phát sinh mâu thuẫn, đương nhiên người con bị nhận nhầm sẽ luôn chịu phần thiệt thòi.

“Trong trường hợp chia thừa kế theo pháp luật, dù người con bị nhận nhầm có công lớn trong việc phụng dưỡng cha mẹ già thì họ cũng không được hưởng phần di sản của người quá cố (cha mẹ đã nhận nhầm). Kể cả trong trường hợp trước đó người con này đã được nhận phần di sản thừa kế theo pháp luật, nhưng sau khi sự thật được phát hiện (họ không phải là ruột thịt trong gia đình) và vì một lý do nào đó mà các thành viên trong gia đình phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến việc khiếu kiện đòi lại di sản thừa kế thì người con đó sẽ gặp nhiều bất lợi, bởi họ không thuộc bất kỳ hàng thừa kế nào?”- luật sư Lê Tú, Công ty Luật Lê và Liên danh đặt vấn đề.

Cùng quan điểm trên, ông Bùi Đức Độ nhận định, trong nhiều trường hợp, mặc dù các bên có đáp ứng đủ các điều kiện theo Điều 50 Luật Nuôi con nuôi thì thời điểm cho đăng ký cũng đã qua nên không còn cách nào khác để được công nhận quan hệ con nuôi. “Việc quan hệ con nuôi chỉ được thừa nhận về mặt đạo đức xã hội, còn về việc thừa kế theo pháp luật sẽ không được áp dụng nếu có tranh chấp về thừa kế, do pháp luật chỉ tính đến công chăm sóc cho những người thuộc diện trong hàng thừa kế mà thôi”- ông Độ khẳng định.

Ngoài những hậu quả pháp lý nêu trên, theo phân tích của luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á, cũng còn vô số những hệ lụy đau lòng khác (Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 25/7/2016 đã đề cập), đó là cha mẹ và con (đẻ) không được yêu thương chăm sóc nhau từ khi mới chào đời; con được trao cho gia đình khó khăn thiếu thốn mọi mặt; con bị ngược đãi, con không được học hành, dạy dỗ đầy đủ và đúng cách, không thể hoà nhập khi được nhận về ở với cha mẹ đẻ…

Không ai có quyền lựa chọn cha mẹ cho mình, nhưng pháp luật cũng không cho phép bất kỳ ai “đánh tráo” cha mẹ của những đứa trẻ ngay từ lúc lọt lòng. Những cá nhân, tổ chức sai phạm rồi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng bi kịch đau lòng trên sẽ còn đeo đẳng những đứa con kém may mắn đến hết cuộc đời. Để vơi bớt nỗi đau, những đứa con ấy cần lắm một danh phận rõ ràng được cụ thể hóa bằng những quy định nhân văn và công bằng của pháp luật.

Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, nếu trong trường hợp không có quy định của pháp luật thì mới áp dụng đến tương tự pháp luật, tập quán, án lệ... Chính bởi vậy khi đã có quy định của pháp luật về con nuôi và thừa kế thì phải tuân theo những quy định này. “Đây là vấn đề mới phát sinh và nó cũng phù hợp với đạo đức xã hội cũng như nguyện vọng chính đáng của nhân dân, do vậy các nhà lập pháp nên nghiên cứu khi có sửa đổi bổ sung về Luật Nuôi con nuôi”- ông Bùi Đức Độ đề xuất.

Những vụ trao nhầm con được phát hiện gần đây

Vào đúng dịp sinh nhật thứ 41 (10/10/2015), chị Trang được nghe sự thật từ chính người mẹ đã nuôi nấng mình suốt 42 năm nay. Trước đó, vào ngày 10/10/1974, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh hạ sinh một bé gái tại nhà hộ sinh Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội và đặt tên là Tạ Thị Thu Trang. Năm chị Trang lên 20 tuổi, bà Hạnh lén đi xét nghiệm ADN và kết quả đúng như điều bà linh cảm suốt bao năm nay: Chị Trang không phải là con gái ruột của bà. Sợ con không chịu được cú sốc lớn, người mẹ này quyết định giữ bí mật cho đến khi con gái tròn 41 tuổi.

Tương tự là trường hợp của chị chị Lê Thanh Hiền (xóm Án, làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội), người cách đây 29 năm bị trao nhầm lúc mới lọt lòng ở nhà hộ sinh quận Đống Đa. Vào ngày 12/12/1987, bà Phan Thị Tuyết Hoa sinh con gái tại nhà hộ sinh quận Đống Đa, nhưng đứa con gái mà bà tưởng là con đẻ, khi đi giám định ADN lại không phải ruột thịt của bà. 

Việc đau lòng trên cũng xảy ra với vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Trang (26 tuổi, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước). Trước đó, sáng 10/1/2013, khi sinh con tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, chị đã bị trao nhầm con cho một người phụ nữ sinh cùng phòng với chị.

Trường hợp bệnh viện trao nhầm trẻ sơ sinh ghi nhận gần đây nhất xảy ra tại Thanh Hóa. Theo đó, cuối tháng 6/2016, đại diện Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa xác nhận vừa phát hiện bệnh viện này trao nhầm trẻ sơ sinh cho hai gia đình sinh con ở bệnh viện vào ngày 6/10/2012...

 Với 2 trường hợp sau, các em bé đã được về với cha mẹ ruột và đang từng bước ổn định về tâm lý. Tuy nhiên 2 trường hợp tại Hà Nội là chị Tạ Thị Thu Trang và chị Hiền đến nay vẫn chưa tìm lại được cha mẹ ruột của mình dù họ đã nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc tìm kiếm.

Đọc thêm