Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo, bồi dưỡng

(PLVN) -Chiều 8/4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các đơn vị đào tạo về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển sinh năm 2020. Tham dự có Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan, đại diện các đơn vị đào tạo tại các điểm cầu.
Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo, bồi dưỡng

Tiếp tục triển khai dạy học thông qua hình thức trực tuyến

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái cho biết sau khi Bộ trưởng ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2020, các đơn vị đào tạo được giao chủ trì đã chủ động triển khai nhiệm vụ, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nên hầu hết các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong quý I bị hoãn, lùi lịch, chưa thực hiện được theo đúng Kế hoạch. 

Về việc chọn, cử công chức, viên chức đi học, một số lớp đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội do Học viện Tư pháp hoặc các cơ sở đào tạo tương tự khác thông báo chiêu sinh nhưng do tình hình dịch bệnh, các lớp bồi dưỡng đó cũng đều bị dừng, tạm dừng hoặc chuyển sang thời điểm thích hợp mới khai giảng. Theo đó, Vụ sẽ tiếp tục trao đổi, thống nhất vói Học viện Tư pháp, Cục Kế hoạch – Tài chính và các đơn vị có liên quan để cử công chức, viên chức đi học phù hợp, đúng quy định. 

Bên cạnh đó, ông Thái cũng cho biết ngoài các lớp hiện đang được đào tạo, bồi dưỡng, Vụ sẽ dành một lượng kinh phí nhất định để mở các lớp theo yêu cầu đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành để nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức. Vụ cũng đề nghị nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa của Lãnh đạo Bộ; yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chọn, cử công chức, viên chức đi học đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm; đánh giá hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị. 

Ông Thái cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chất lượng; đề nghị Học viện Tư pháp, Đại học Luật Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, triển khai mạnh mẽ việc đào tạo trực tuyến trong giai đoạn hiện nay.

Tại buổi làm việc, các đơn vị đào tạo cũng báo cáo về tình hình dạy học, tuyển sinh trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, Đại học Luật Hà Nội cho biết, để đảm bảo khối lượng kiến thức cũng như nhu cầu học tập của sinh viên, trường vẫn triển khai kế hoạch giảng dạy, học tập đối với sinh viên, học viên các bậc, các hệ đào tạo. Theo đó, sinh viên hệ đại học chính quy và các hệ văn bằng đại học thứ hai chính quy vẫn tiếp tục triển khai giảng dạy trực tuyến E-learning bắt đầu từ ngày 15/2. Các lớp sau Đại học và các lớp vùng sâu vùng xa vẫn chưa tiến hành triển khai được. 

Để đối phó với dịch bệnh Covid-19, Học viện Tư pháp đã xây dựng 3 kịch bản nếu dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 4, tháng 5 hay tháng 6. Còn trong trường hợp dịch bệnh kéo dài lâu hơn tháng 6, các lớp sẽ phải học dồn vào những tháng cuối năm 2020. Vì là cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp, có rất nhiều điểm đặc thù nên việc dạy học qua online sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Học viện cũng đã nghiên cứu, triển khai kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo tiến độ học cho cán bộ, công chức, viên chức. 

Tại các Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên và Trung cấp Luật Đồng Hới, Trung cấp Luật Tây Bắc và Trung cấp Luật Vị Thanh, thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, học sinh các lớp được nghỉ học tại nhà. Về việc áp dụng học online, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc và Trung cấp Luật Đồng Hới cho biết việc này rất khó khả thi, vì điều kiện kinh tế của các em còn gặp nhiều khó khăn, không có điện thoại thông minh để kết nối internet.   

Chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh

Ta buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin phải là một hình thức bắt buộc phải áp dụng, phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, giúp giảm thiểu nhân công, tiết kiệm chi phí. Đối với các trường Trung cấp Luật có đặc thù là đào tạo văn hóa với các em học sinh cấp 2, Thứ trưởng đề nghị Trường phải bám sát vào chương trình học đã được tinh giản của Bộ Giáo dục, phải bảo đảm được khối lượng kiến thức nền tảng cho các em học sinh. 

Thứ trưởng cũng đề nghị các trường chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là Trường Trung cấp Luật Đồng Hới vì có nhiều học sinh nội trú trong trường, đặc biệt là các học sinh Lào. Bên cạnh đó, các trường Trung cấp Luật phải nhanh chóng chuẩn bị giấy tờ, tài liệu, giáo trình cần thiết để chuyển lên Cao đẳng trong năm 2020; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá tuyển sinh; đẩy mạnh phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ để mở các lớp chuẩn hóa cho cán bộ; đề nghị các trường chuẩn bị kịch bản chi tiết để đối phó với bệnh dịch... 

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao các cơ sở, đơn vị đào tạo trong thời gian qua đã có biện pháp xử lý tương đối kịp thời như xoay chuyển từ phương thức đào tạo tập trung sang phương thức đào tạo online. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ sở, đơn vị đào tạo tuyệt đối đảm bảo an toàn cho cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt là các em học sinh, sinh viên; chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, kể cả tình huống xấu nhất là dịch bệnh sẽ kết thúc vào quý III/2020. 

Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu kỹ hơn, khắc phục những khó khăn về hình thức đào tạo trực tuyến đối với học sinh, sinh viên thông qua kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới. Riêng một số các lớp đào tạo, bồi dưỡng, Bộ trưởng đề nghị tính toán, xem xét thí điểm việc học trực tuyến. Đề án các trường Cao đẳng phải sớm hoàn thiện để tổ chức công tác tuyển sinh, dạy học trong năm 2020… 

Đọc thêm