Trò chuyện đầu năm với nữ Thứ trưởng 30 năm gắn bó với ngành Tư pháp

(PLO) - Sang năm 2014 này, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đã có 30 năm gắn bó với ngành Tư pháp. Cuộc đời có những cơ duyên thật lạ lùng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo, lớn lên lựa chọn nghề sư phạm như một lẽ tự nhiên, ấy thế mà “ngành” lại chọn “người”, để rồi gắn bó với ngành Tư pháp suốt cả cuộc đời. Đến bây giờ nghĩ lại, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền vẫn thấy mình là người may mắn vì “đã được làm công việc mà mình yêu thích”. 
Trò chuyện đầu năm với nữ Thứ trưởng 30 năm gắn bó với ngành Tư pháp
Kết quả tích cực sau nhiều năm “gieo hạt” 
Cũng bởi đã gắn bó, đã nếm trải nhiều kỷ niệm vui, buồn cùng ngành Tư pháp nên năm 2013 để lại nhiều ấn tượng thật đặc biệt  đối  với  Thứ  trưởng  Nguyễn  Thúy Hiền. Dường  như sau nhiều năm gieo hạt, năm 2013 là năm nhiều lĩnh vực công tác tư pháp do Thứ trưởng phụ trách đạt được nhiều kết quả tích cực. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành như một luồng sinh khí mới tiếp thêm sức mạnh cho những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ Trung ương tới cơ sở.
Những ngày đầu tháng 11, từ nông thôn tới thành thị, từ công sở tới nhà dân, đâu đâu cũng thấy tưng bừng, phấn khởi chuẩn bị tổ chức Ngày Pháp luật. “Điểm mới lần này là chúng ta đã đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu của người nghe khi xây dựng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ Công bố Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam không chỉ là thông điệp của Đảng, Nhà nước gửi đến toàn dân về ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật mà còn là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào ta đang định cư sinh sống ở nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới với tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật”- Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền chia sẻ.
Niềm vui được nhân đôi khi Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội thông qua. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhận định: “Đây sẽ là cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và thống nhất điều chỉnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Không gì vui bằng được góp phần ngăn chặn những mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư, tránh được những vi phạm pháp luật và hạn chế thấp nhất các tranh chấp phải đưa ra Tòa”. 
Càng phấn chấn hơn khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”cũng được ký ban hành. Hai Đề án là bước phát triển quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ pháp luật và các chức danh tư pháp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp. 
Thứ trưởng cũng không khỏi tự hào khi hệ thống 5 Trường Trung cấp Luật đã vượt qua nhiều khó khăn và đi vào hoạt động ổn định, số con em người đồng bào dân tộc thiểu số được các Trường đào tạo rất đông. Thứ trưởng tin tưởng: “Các Trường Trung cấp Luật sẽ làm thay đổi cuộc đời, số phận của nhiều con em người đồng bào dân tộc và cung cấp cho tư pháp cơ sở những nhân lực phù hợp với vị trí việc làm”.
Là người trực tiếp phụ trách Báo Pháp luật Việt Nam, điều mà Thứ trưởng hài lòng nhất là “Báo đã dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới và thực sự nỗ lực”để có những bước phát triển ấn tượng và ngày càng được bạn đọc tin yêu.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền
“Tiến  tới  nói  những  điều  người nghe muốn nghe”
Gác lại việc cho ý kiến vào công tác chuẩn bị Sơ kết 2 năm thực hiện Chiến lược phát triển Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, ngồi chia sẻ cùng phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trong bộn bề công việc của những ngày cuối năm, giọng nói vốn rất ấm áp của Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền như chùng xuống: “Điều làm mình băn khoăn nhất là còn biểu hiện hình thức, giống như làm cho xong trong những lĩnh vực rất cần hiệu quả thực chất như phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ ở sở…”.
Thứ trưởng thấy “dường như chúng ta mới nói điều mà người nói muốn nói”còn “người nghe muốn nghe gì”thì những người làm công tác tư pháp vẫn chưa chạm tới.
“Ngay trong hoạt động trợ giúp pháp lý, cái người dân cần là trợ giúp pháp lý theo vụ việc. Một người dân gặp vấn đề khúc mắc, tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý thì cái họ cần là nhận được sự tư vấn cụ thể về mặt pháp luật cho trường hợp họ gặp phải. Chẳng may vụ việc phải đưa ra tòa thì Trợ giúp viên pháp lý sẽ theo họ đến tòa. Nhưng cách làm này chưa  nhiều. Trợ giúp pháp lý hiện nay ở nhiều nơi  mới dừng lại ở các cuộc trợ giúp lưu động, giống như phổ biến, giáo dục pháp luật”. Đó là những cách làm mà nữ Thứ trưởng ngành Tư pháp cho rằng dứt khoát phải khắc phục trong thời gian tới, để “nói điều mà người nghe muốn nghe”và “trợ giúp sát với từng nhóm đối tượng”để mang lại hiệu quả thực sự. 
“Phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu”
Thật thú vị khi chiêm nghiệm sự trùng hợp của những mốc thời gian trong cuộc đời mỗi con người. 30 năm gắn bó đã chứng kiến gần nửa  chặng  đường  70  năm  xây  dựng  và  trưởng thành của ngành Tư pháp Việt Nam.  
Năm 2014 này, ngành Tư pháp tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 -28/8/2015) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền tâm sự: “70 năm so với lịch sử xây dựng và phát triển luật pháp hàng nghìn năm thì không phải là dài, nhưng đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất. Trong sự phát triển rực rỡ ấy, ngành Tư pháp đã có những đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và để lại nhiều dấu ấn trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống”.
Mặc dù vậy, chứng kiến những thăng, trầm của ngành Tư pháp, không phải không có lúc Thứ trưởng hụt hẫng vì bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu kỳ vọng đổi mới nhằm phục vụ người dân tốt hơn mà những người làm công tác tư pháp đưa ra chưa nhận được sự đồng thuận kịp thời. Thứ trưởng nghiệm ra một điều: “Xây dựng chính sách thì phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, suy nghĩ cho thế hệ sau bởi “nước nổi lo chi bèo không nổi”. Nếu cứ nhìn ngắn, ngành nào cũng chia cắt lợi ích, không phối hợp với nhau thì sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước, rồi chính con em mình lại là người phải gánh chịu”.
Nhưng rồi, trải qua những thời khắc khó khăn ấy, Thứ trưởng càng nhận ra rằng: “Môi trường làm việc, tình yêu ngành, yêu nghề là chất keo gắn bó, níu chân mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp”. Thứ trưởng cho biết, có nhiều cán bộ, công chức đã và đang chấp nhận sự hy sinh về cơ hội, về vật chất để được làm việc trong môi trường ấy, vì họ tin có những cái làm nên giá trị của một ngành mà không phải có tiền là có thể mua được.
Thứ trưởng cũng cho rằng, so với yêu cầu của người dân thì ngành Tư pháp còn phải tiếp tục phấn đấu để những gì mà chúng ta làm được hôm nay hữu ích cho các thế hệ mai sau. Đó cũng chính là sự hối thúc lớn nhất đối với Thứ trưởng và đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Đọc thêm