Trợ giúp pháp lý cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị

(PLVN) -Ngày 6/9/2020 hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý ở Việt Nam kỷ niệm 23 năm Ngày thành lập. 23 năm với những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, công tác trợ giúp pháp lý đã có nhiều khởi sắc, đang thực sự trở thành chỗ dựa pháp lý tin cậy cho những người yếu thế trong xã hội. Nhân dịp này, Báo PLVN đã  phỏng vấn Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh.
Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh
Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh

-Là một trong những người xây dựng Đề án quyết định thành lập hệ thống tổ chức Trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí, sau 23 năm hình thành và phát triển, ông có nhận xét như thế nào về những đóng góp tích cực mà TGPL đã mang lại cho người nghèo, đối tượng chính sách và người yếu thế trong xã hội?

Cục trưởng Cù Thu Anh: Để đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp luật của đông đảo nhân dân, xuất phát từ chủ trương của Đảng, hệ thống TGPL đã được hình thành bằng một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phát triển như ngày nay được điều chỉnh bởi các văn bản Luật (Luật năm 2006, Luật năm 2017). Kể từ ngày thành lập 6/9/1997 đến nay, trải qua chặng đường 23 năm xây dựng và trưởng thành, với không ít khó khăn, thử thách nhưng dưới sự Lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Lãnh đạo Bộ, hệ thống TGPL đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị - xã hội của đất nước, yêu cầu tiếp cận công lý, nhu cầu giải tỏa vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp miễn phí không thu tiền của đối tượng chính sách, nhóm người yếu thế trong xã hội làm trọng tâm công tác.

Thực tiễn hoạt động TGPL trong những năm qua đã chứng minh chủ trương, chính sách này là phù hợp với đông đảo nguyện vọng của nhân dân, với thực tiễn phát triển của đất nước. Trong 23 năm các tổ chức thực hiện TGPL đã thực hiện 2.263.084 vụ việc TGPL cho 2.325.663 đối tượng, trong đó có 179.638  vụ việc tham gia tố tụng. Mỗi vụ việc TGPL cụ thể gắn với một số phận, một con người, một hoàn cảnh và những khó khăn riêng cần tháo gỡ. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL là người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khác đã góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, công bằng trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Thông qua nhiều vụ việc cụ thể, công tác TGPL đã để lại trong lòng người dân được TGPL niềm tin vào hệ thống tư pháp của đất nước. Đồng thời góp phần vào việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử theo tinh thần "coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp" của Nghị quyết số 49 -NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Trong những năm gần đây, công tác TGPL đã có những đổi mới, khởi sắc, nhiều kết quả được ghi nhận: khung pháp luật về TGPL đã tương đối hoàn chỉnh từ Luật, Nghị định, Thông tư; tập trung vào bản chất TGPL là vụ việc TGPL, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng; chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL ngày càng tăng lên, hầu như không có vụ việc nào bị khiếu kiện, khiếu nại; bảo đảm chế độ, chính sách cho người thực hiện TGPL, có cơ chế huy động đa dạng các tổ chức xã hội, luật sư có chất lượng tham gia TGPL; chất lượng của tổ chức TGPL Nhà nước ngày càng được nâng cao và hiệu quả; truyền thông về công tác TGPL, ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL được tăng cường...

-Luật Trợ giúp pháp lý với “điểm nhấn” quan trọng là nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Vậy sau gần 3 năm thi hành Luật, kết quả chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý đã được nâng lên như thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Cù Thu Anh: Nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL cho người nghèo, đối tượng chính sách và người yếu thế khác trong xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng cần hướng đến của công tác TGPL trong thời gian qua. Mục tiêu này đã được thể chế hóa trong các quy định của Luật TGPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Sau gần 03 năm triển khai thi hành, chất lượng dịch vụ TGPL đã được nâng lên đáng kể, thông qua các khía cạnh sau: chất lượng người cung cấp dịch vụ; dịch vụ có khả năng đáp ứng được nhiều yêu cầu, nhiều vụ việc; vụ việc được thực hiện có chất lượng và hiệu quả.

 Đầu tiên có thể kể đến chất lượng đội ngũ người thực hiện TGPL: Theo quy định của Luật TGPL năm 2017, tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý đã được nâng cao, quy định tương đồng với tiêu chuẩn của luật sư. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 645 trợ giúp viên pháp lý. Cơ cấu số lượng trợ giúp viên pháp lý được nâng lên trên tổng số lượng người làm việc tại Trung tâm TGPL (tổng số lượng người làm việc tại Trung tâm TGPL không tăng). Đa số trợ giúp viên pháp lý đã được đào tạo bài bản, được trang bị kỹ năng nghiệp vụ TGPL, tâm huyết với nghề để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, đặc biệt là hoạt động tham gia tố tụng trong các vụ việc cụ thể với các đối tượng đặc thù như: trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người khuyết tật... Thông qua các vụ việc tham gia tố tụng, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh của trợ giúp viên pháp lý được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức kỳ thi hết tập sự TGPL, các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II và tổ chức kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II. Đây là chức danh nghề nghiệp đầu tiên của Ngành Tư pháp có quy định về phân hạng và được tổ chức thi thăng hạng. Qua đó, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình, được các cơ quan tiến hành tố tụng, người được TGPL và xã hội ghi nhận. 

Đồng thời, nhiều địa phương đã thực hiện lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL với 24 tổ chức hành nghề luật sư và tổ chức tư vấn pháp luật; 533 luật sư. Đây là những tổ chức, cá nhân có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác TGPL, từ đó tạo thêm nguồn cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL trong xã hội. Bên cạnh đó, trên cả nước có 174 tổ chức đăng ký tham gia TGPL bằng nguồn lực của mình.

 Tiếp theo, đó là số lượng và chất lượng vụ việc TGPL tăng lên rõ rệt, nhiều vụ việc thành công, hiệu quả: Trong thời gian qua, các Trung tâm TGPL nhà nước đã tập trung nguồn lực vào thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng theo đúng tinh thần đổi mới công tác TGPL và Luật TGPL năm 2017. Số lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng do các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giới thiệu có chiều hướng tăng lên, trong đó, chuyển biến rõ nhất là trong tố tụng hình sự và bắt đầu ngay từ giai đoạn điều tra (năm 2016 là 7.807 vụ, năm 2017 là 10.058 vụ, năm 2018 là 11.860 vụ, năm 2019 là 21.235 vụ việc tham gia tố tụng).

Cùng với đó, chất lượng vụ việc TGPL cũng được chú trọng. Qua báo cáo của các địa phương, hầu hết vụ việc TGPL được các địa phương đánh giá đạt chất lượng khá, tốt. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có kết quả tích cực, cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận quan điểm bào chữa của người thực hiện TGPL, có nhiều vụ án được dư luận quan tâm hoặc người được TGPL được tuyên mức án giảm hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát, được chuyển khung hình phạt nhẹ hơn, sang tội nhẹ hơn, được tuyên vô tội hoặc thắng kiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình. Đây là một trong những thước đo thang giá trị của chất lượng dịch vụ TGPL.

-Trong thời gian tới, để công tác TGPL thực sự là “chỗ dựa pháp lý” cho người được TGPL, ông hãy cho biết một số vấn đề cần quan tâm, giải quyết?

Cục trưởng Cù Thu Anh: Để kịp thời cung cấp dịch vụ TGPL có chất lượng, hiệu quả cho người được TGPL, cùng với sự chủ động của ngành tư pháp, Cục TGPL và các Trung tâm TGPL nhà nước trên toàn quốc, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, cần quan tâm đến các vấn đề sau đây:

Tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng. Bởi vì, khi người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm yếu thế vướng vào vòng lao lý, đụng chạm với các cơ quan công quyền, thiết chế pháp luật họ sẽ rất cần đến sự giúp đỡ về mặt pháp lý.

Nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL thông qua việc tiếp tục nâng cơ cấu số lượng trợ giúp viên pháp lý trong tỷ lệ số lượng người làm việc tại Trung tâm TGPL; tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ TGPL, đặc biệt là kỹ năng trợ giúp cho các đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già... trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính.

 Tiếp tục nghiên cứu cơ chế thu hút các cá nhân, tổ chức có kiến thức, trình độ, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác TGPL thông qua việc ký hợp đồng thực hiện TGPL, đăng ký tham gia TGPL.

 Với khoảng 45% dân số thuộc diện được TGPL, ngoài những người không có nhu cầu do chưa gặp vướng mắc pháp luật hoặc bản thân có thể tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền lợi hợp pháp thì vẫn còn nhiều người cần nhưng còn chưa biết đến quyền được TGPL. Do đó, cần phải tiếp tục đổi mới công tác truyền thông về TGPL, cùng với Bộ Tư pháp, Cục TGPL, mỗi địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá, truyền thông kết quả công việc của mình để nhiều người dân, cơ quan, tổ chức biết đến TGPL hơn nữa, tránh tình trạng bỏ sót nhu cầu TGPL. 

 Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế phối hợp với các tổ chức, cá nhân, nhất là các cơ quan, người tiến hành tố tụng, tổ chức, cán bộ ở cơ sở để phát hiện, giới thiệu người được TGPL đến các tổ chức thực hiện TGPL; nghiên cứu và triển khai cơ chế người thực hiện TGPL trực tại các cơ quan tiến hành tố tụng tòa án, cơ quan công an (tùy điều kiện có thể trực tại trụ sở hoặc trực qua điện thoại) để sớm giúp người được TGPL ngay từ khi họ vướng vào vòng lao lý.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TGPL; tùy vào tình hình, điều kiện thực tế, nhất là ở các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cần tích cực thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực TGPL ở mức độ phù hợp, nhằm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn nhân lực.

 Có một thực tế là những nơi có nhiều đối tượng thuộc diện được TGPL nhất  lại thuộc các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách. Do đó cần xây dựng chính sách hỗ trợ nguồn lực để thực hiện TGPL cho giai đoạn tới đây, để không ai ở ngoài lề trong tiến trình đổi mới, phát triển của đất nước./.

-Trân trọng cám ơn ông và xin chúc hệ thống tổ chức TGPL ngày càng phát triển! 

Đọc thêm