Tự hào, đam mê khi tuyên truyền Hiến pháp

(PLO) - Gần 20 năm làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Thái Bình Phạm Ngọc Dậu tâm sự: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy tự hào và đam mê như khi được tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp 2013”...
Tìm hiểu Hiến pháp là đợt sinh hoạt chính trị lớn
Tìm hiểu Hiến pháp là đợt sinh hoạt chính trị lớn
Với tâm huyết này, tác giả Phạm Ngọc Dậu đã gửi đến PLVN bài viết về tuyên truyền các quy định của Hiến pháp. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Hiến pháp có thể tuyên  truyền  đến mọi đối tượng 
Hiến pháp (HP) là luật cơ bản của nước ta, có hiệu lực pháp lý cao nhất, liên quan đến mọi mặt đời sống xã hội. Ngoài những chế định lớn, quan trọng như về quyền lực và tổ chức phân công quyền lực nhà nước, tổ chức bộ máy nhà nước, các quy định về kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, bảo vệ Tổ quốc, còn có một phần lớn là những nội dung quan trọng về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. 
Do vậy, HP là văn bản có đối tượng tuyên truyền rộng nhất, đông đảo nhất so với  các văn bản pháp luật khác. Chỉ riêng nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã là yêu cầu bắt buộc phải tuyên truyền đến mọi người dân. Các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả các đối tượng có tính đặc thù, đều cần thiết phải tuyên truyền, giải thích và làm rõ nội dung của HP. 
Qua thời gian tổ chức triển khai thực hiện HP, riêng về công tác tuyên truyền đã được thực hiện ở rất nhiều cấp độ khác nhau như các hội nghị ở cấp tỉnh, cấp sở, ngành, cấp huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn. Qua mỗi buổi tuyên truyền, với tôi đều để lại những ấn tượng sâu sắc.
Các buổi tuyên truyền đều có những yêu cầu, đặc thù riêng. Đặc biệt, với những hội nghị tổ chức tại các xã, phường, thị trấn cho nhân dân nghe bao gồm nhiều thành phần, trình độ có khác nhau. Ngoài cán bộ chủ chốt cấp xã, các đảng  ủy viên, đại biểu Hội đồng nhân dân còn có số đông người làm công tác tại tổ dân phố, thôn, xóm. Khi tuyên truyền HP, các địa phương đều truyền thanh và thông báo cho nhân dân theo dõi. Trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật và nhu cầu thông tin truyền đạt có nhiều sự khác nhau nên nội dung phải vừa bảo đảm những thông tin cơ bản, cần thiết và phải có sự phù hợp với đối tượng tại địa phương. 
Một đối tượng đến nay vẫn để lại nhiều cảm xúc về công tác tuyên truyền là các buổi tuyên truyền cho gần một ngàn đại đức, tăng ni và phật tử của tất cả các chùa trên địa bàn tỉnh. Ban Tôn giáo tỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp tổ chức tám buổi tuyên truyền tại các cơ sở trường Hạ. Thực ra đây là những cuộc “nói chuyện” về HP để mọi người lắng nghe, đón nhận tinh thần, nội dung của HP cũng như pháp luật của Nhà nước trong cuộc sống của những người  cả cuộc đời gắn liền với đạo pháp, với cuộc sống riêng tư nơi cửa Phật là điều rất quan trọng. 
Mặt khác, đây cũng là đối tượng đặc thù, nhạy cảm nên thay bằng “nói chuyện” về HP và pháp luật là phù hợp. Ngoài việc giới thiệu nội dung cơ bản về HP của một Nhà nước thì những vấn đề có liên quan đến tôn giáo như mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật cũng được chú trọng. 
Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Thái Bình Phạm Ngọc Dậu
 Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Thái Bình Phạm Ngọc Dậu
Giới thiệu Hiến pháp cần mở rộng những nội dung liên quan
Ngoài một số đối tượng trên, khi tuyên truyền về HP đều cần phải nêu lên những nội dung cơ bản, thậm chí có thể cả bố cục của HP để mọi người hình dung về bản HP. Bên cạnh đó, tùy từng đối tượng đều có thể mở rộng làm rõ thêm những nội dung liên quan như đối tượng là các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể như mặt trận, công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ, lực lượng vũ trang, các doanh nhân và các đối tượng là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, báo cáo viên của Đảng cũng là những đối tượng có nhiều tính đặc thù cần truyền đạt những nội dung cụ thể. 
Đặc biệt đối với HP, mỗi một điều, một khoản đều có liên quan đến nhiều luật khác nhau nên khi tuyên  truyền có thể mở rộng, làm rõ thêm.  Thí dụ về Điều 19: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” có liên quan đến các điều luật về hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự. Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự quy định bỏ một số tội tử hình cũng là để bảo đảm quyền được sống của con người khi chưa đến mức phải loại ra khỏi cuộc sống. 
Về Bảo vệ Tổ quốc quy định tại Chương IV và ở một số chương khác đã phát triển, bổ sung nhiều nội dung mới, quan trọng. Khi truyền đạt, nhất là cho lực lượng vũ trang, cần nhấn mạnh và làm rõ nội dung Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị. Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. HP khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc… 
Đối với các doanh nhân, doanh nghiệp cần làm rõ nội dung quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. HP 2013 có bổ sung quy định về nguyên tắc hạn chế quyền phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Việc hạn chế quyền  con người, quyền công dân không thể tùy tiện mà phải “theo quy định của luật”. Việc xác lập những lĩnh vực cấm hoặc hạn chế đối với kinh doanh là một hoạt động mang nặng tính chất quản lý nhà nước, có ý nghĩa tác động rất to lớn, trực tiếp đối với việc xác lập quyền tự do kinh doanh. Tới đây, cần xác định rõ những ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều  kiện được quy định trong các luật; đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá lại các danh mục đó để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của mọi người.
Một trong những vấn đề hiện nay xã hội hết sức quan tâm là bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không được tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất cứ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm  danh dự, nhân phẩm, tránh oan sai trong hoạt động tố tụng. HP đã mở rộng phạm vi những người được bảo đảm quyền bào chữa từ chỗ chỉ có bị can, bị cáo nay bao gồm cả người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra. Nguyên tắc suy đoán vô tội được hiến định rõ hơn, chặt chẽ hơn. HP lần đầu tiên cũng khẳng định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Đây là những quy định cần phải được giải thích rõ, ngay cả đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng. 
Có thể nói, HP có nội dung rất rộng lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, liên quan đến mọi tầng lớp nhân dân, đến tất cả các cơ quan, tổ chức, đoàn thể. Càng nghiên cứu, suy ngẫm về các nội dung trong HP càng thấy ý nghĩa sâu xa và cũng rất thực tế, gần gũi, thiết thực, trường tồn. 
Điều mong muốn là làm sao để mọi người dân biết, hiểu những vấn đề cơ bản về HP để có niềm tin, tự hào về chế độ tốt đẹp. HP mở ra không gian rộng lớn trong việc mở rộng và phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đúng như trong Lời nói đầu của HP là: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.  

Đọc thêm