Tự hào Tư pháp miền sông nước

(PLO) - Có một điều dễ nhận thấy trong bảng xếp hạng Sở Tư pháp 2013 do Bộ Tư pháp ban hành, danh sách các Sở Tư pháp được xếp hạng xuất sắc có gần 50% là các Sở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - một vùng đất mà người dân còn nhiều gian khó, điều kiện chưa đủ đầy. Đó quả là một nỗ lực đáng quý của những người đầu ngành và cán bộ tư pháp cơ sở…
Tự hào Tư pháp miền sông nước
Nhiều đột phá, sáng kiến
Không quá khi gọi năm 2013 là “năm sáng kiến” của ngành Tư pháp phía Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Long An - tỉnh đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long, tính từ phía Bắc trở ra, đã ghi một dấu ấn đẹp trong năm 2013 với mô hình “ba trong một” được cả nước biết đến. Xuất phát từ ghi nhận của một cán bộ tư pháp - hộ tịch còn rất trẻ, rằng người dân sau khi làm giấy khai sinh xong thì loay hoay nhập khẩu, làm bảo hiểm y tế… cán bộ tư pháp phải giải đáp liên tục mà dân cũng mất thời gian, thế là một sáng kiến nho nhỏ nảy sinh. Rồi, từ cái sáng kiến nhỏ ấy, những cán bộ tư pháp tâm huyết của tỉnh đã phát triển, tâm huyết để trở thành một mô hình hay. 
Với mô hình “ba trong một”, khi đi đăng kí khai sinh cho trẻ, người dân chỉ cần đến bộ phận một cửa của UBND xã, thị trấn, cán bộ tư pháp sẽ tiếp nhận hồ sơ, rồi chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để thực hiện việc nhập khẩu, sang cơ quan bảo hiểm xã hội để làm thẻ bảo hiểm y tế nhằm cho trẻ được khám chữa bệnh miễn phí đúng với quyền lợi của trẻ. 
Tức là, chỉ đến đúng một cửa duy nhất, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, hạn chế sai sót giấy tờ phải chỉnh sửa nhiều lần như trước đây. Không còn cảnh người dân phải chờ vài chục ngày với ba lần hẹn, thời gian chờ đợi chỉ còn 1/3, có khi chỉ mất 1 - 2 ngày để lấy được giấy khai sinh lẫn nhập khẩu. 
Tư pháp Long An, bên cạnh “ba trong một” còn được biết đến với nhiều sáng kiến độc đáo khác: Lễ cưới mini thực hiện với chủ trương tiết kiệm, kết hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân; Mô hình phối hợp ăn ý giữa lực lượng giám định của công an và giám định tư pháp…
Hậu Giang ấn tượng không kém với danh hiệu vui “người gác cổng cho UBND tỉnh”. Tên gọi xuất phát từ việc Sở Tư pháp đã phát huy tối đa vai trò của mình trong hỗ trợ UBND tỉnh thực thi các vấn đề về tư pháp ở địa phương. 
Với Cà Mau, mũi tàu tận cùng phía Nam Tổ quốc, nếu muốn đánh giá hiệu quả công tác tư pháp của tỉnh thì chỉ cần vào website của Sở Tư pháp Cà Mau. Một website thể hiện sự chuyên nghiệp và hiện đại trong cách làm, và đặc biệt, ở đó có mục Kết quả giải quyết hồ sơ công dân, được cập nhật theo từng ngày. Nhiều người dân khi thấy kết quả của mình được cập nhật trên Website Sở Tư pháp, đã điện thoại tìm hiểu và được nhận kết quả ngay nếu có yêu cầu, mặc dầu chưa đến ngày hẹn. 
Qua thống kê tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông và thực hiện quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 thì có 30 đến 50% được rút ngắn thời gian giải quyết. Cách làm nhỏ nhưng thể hiện cái tâm của người cán bộ tư pháp.
Tư pháp thân thiện với người dân
Ai có về miền Tây mới thấy bên cạnh thiên nhiên trù phú, con người phóng khoáng thì còn không ít niềm trăn trở: Người dân còn nghèo, có những vùng đất đa số là người dân tộc thiểu số, ít được học, giao thông còn nhiều khó khăn, nhất là có những vùng ở Đất Mũi, người ta chỉ đi bằng thuyền, len vào những con lạch nhỏ, lênh đênh từ sáng đến tối mới đến nhà. Nói như thế để thấy những kết quả mà Tư pháp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt được là rất đáng trân trọng. 
Ở Sóc Trăng, bên cạnh người Kinh, các dân tộc Hoa, Khơme và người Chăm bản địa chiếm một số lượng không nhỏ, với ngôn ngữ, tập tục và tín ngưỡng riêng. Và vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật bằng tiếng Kinh như nhiều địa phương khác, cán bộ tư pháp Sóc Trăng lại có thêm một nhiệm vụ: Tuyên truyền sao cho người Hoa, Khơme, người Chăm hiểu, làm theo pháp luật?.
Thế là có những buổi tập huấn, tuyên truyền có đồng bào các dân tộc, có cả các vị sư sãi, là những người được họ nghe, làm theo. Rồi tờ rơi, văn bản cũng không thể chỉ có tiếng Kinh... Với những nỗ lực của mình, Tư pháp Sóc Trăng đã được đánh giá đạt được kết quả toàn diện trên các mặt, có nhiều thành tích trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và Kế hoạch công tác của ngành đã đề ra. 
Hay như Hậu Giang, vùng đất còn nghèo được tách ra từ thủ phủ miền Tây Cần Thơ, nhưng kết quả công tác tư pháp luôn đáng ngạc nhiên. Chỉ nói riêng trong công tác hòa giải, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 530 tổ hòa giải/527 ấp, khu vực với 3.212 thành viên, tỷ lệ hòa giải thành bình quân hàng năm đạt trên 80%...

Đọc thêm