Tư pháp phải thực sự xung kích vào các vấn đề “nóng”

(PLO) - Chiều 15/1, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2014. Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, kết quả tích cực của công tác tư pháp của Hà Nội không chỉ là nhờ sự nỗ lực của cơ quan tư pháp mà còn là sự vào cuộc của cấp ủy và chính quyền các cấp ở Thủ đô.
Tư pháp phải thực sự xung kích  vào các vấn đề “nóng”
Khẳng định rõ nét vai trò trong xây dựng và phát triển Thủ đô
Báo cáo tổng kết của UBND thành phố (TP) cho thấy, công tác tư pháp năm 2013 được các ngành, các cấp TP thực hiện tốt, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Nổi bật như hoàn thành tốt nhiệm vụ lấy ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; triển khai nghiêm túc công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó đáng chú ý là các VBQPPL thuộc thẩm quyền của TP cụ thể hóa Luật Thủ đô mặc dù khối lượng lớn, thời gian gấp song đã được xây dựng với chất lượng cao, ban hành kịp thời khi Luật có hiệu lực… 
UBND TP  đánh giá, qua việc triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2013, vai trò tham mưu, tư vấn pháp lý của ngành Tư pháp đối với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng chủ động và có hiệu quả hơn. Những kết quả này đã khẳng định một cách rõ nét hơn vị trí, vai trò quan trọng của công tác tư pháp trong công cuộc xây dựng và phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế, yếu kém như một số sở, ngành, quận, huyện chưa chỉ đạo sát sao công tác tư pháp của ngành, địa phương mình; chất lượng thẩm định tại một số quận, huyện chưa đáp ứng được yêu cầu; còn tình trạng tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi làm sai lệch nội dung giấy tờ hộ tịch; quản lý nhà nước trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá trên địa bàn chưa bao quát, chưa nắm bắt kịp thời những tiêu cực, bức xúc phát sinh trong những lĩnh vực này. 
Vì vậy, để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những vướng mắc, UBND TP đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 nhằm tạo ra những bước chuyển biến cơ bản trong công tác tư pháp, cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2011 – 2015.
Đối với công tác PBGDPL, UBND TP xác định năm 2014 là năm “trật tự và văn minh đô thị” nên bên cạnh phổ biến các VBQPPL được Quốc hội khóa XIII thông qua, Hà Nội sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến giới thiệu các VBQPPL về trật tự xây dựng đô thị, giải phóng mặt bằng, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. 
Ngoài ra, sẽ tăng cường kiểm tra công tác PBGDPL; tiếp tục triển khai Ngày Pháp luật hàng tháng trên địa bàn TP; nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân…
Cần đột phá để tương xứng hơn nữa với vị thế, tiềm năng của mình
Biểu dương và điểm lại 7 kết quả nổi bật năm qua của Tư pháp Thủ đô, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh một lần nữa quan điểm công tác tư pháp không phải chỉ là của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp mà là công tác của cấp ủy và chính quyền thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn. 
Bộ trưởng vui mừng nhận thấy rằng các cơ quan tư pháp trên địa bàn TP có nhiều cố gắng, cơ bản bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2013 cũng như bám sát nhiều vấn đề lớn của TP, qua đó tiếp tục đóng góp rõ rệt hơn vào thành tựu kinh tế - xã hội nói chung của Thủ đô, vào kết quả chung của toàn ngành Tư pháp. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra, kết quả trên chưa tương xứng, chưa có nhiều đột phá, chưa thực sự xung kích vào vấn đề khó, nhạy cảm trên địa bàn Thủ đô, như năng lực cạnh tranh của TP năm 2013 bị sụt giảm nghiêm trọng mà chưa tham mưu được biện pháp tháo gỡ; chưa phải là địa chỉ phản biện tích cực các chính sách, chủ trương của Trung ương… 
Thậm chí còn tồn tại một số yếu kém trong lĩnh vực luật sư, công chứng, hành chính tư pháp. Do đó, Bộ trưởng đề nghị ngành Tư pháp Hà Nội cần bám sát hơn Chương trình hành động của toàn ngành Tư pháp và 10 nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2014 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận mới đây để xứng tầm hơn với vị thế, tiềm năng của Thủ đô. 
Cụ thể, tham gia đóng góp xây dựng Kế hoạch của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi, các bộ luật, luật sẽ được sửa đổi, bổ sung năm 2014; đẩy mạnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính; triển khai tốt công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính; tổ chức thực hiện hiệu quả Luật PBGDPL, Luật Hòa giải ở cơ sở, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở và tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý; tiếp tục đổi mới tư duy quản lý nhà nước đối với công tác bổ trợ tư pháp và quan tâm hơn nữa đến chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, nhất là chế định thừa phát lại…
Hội nghị đã công bố và trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 tập thể (Phòng Kiểm tra và thi hành VBQPPL, Sở Tư pháp TP.Hà Nội), 2 cá nhân (bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội, bà Tống Thị Thanh Nam - Trưởng phòng Kiểm tra và thi hành VBQPPL, Sở Tư pháp TP.Hà Nội); tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 6 tập thể, 4 cá nhân; tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của UBND TP cho 4 tập thể; tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc của UBND TP cho 4 tập thể; tặng Bằng khen của UBND TP cho 5 tập thể, 5 cá nhân; tặng Bằng khen của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL TP cho 6 tập thể, 12 cá nhân...

Đọc thêm