Tư pháp TP. Hồ Chí Mình nhiều sáng tạo

(PLO) - Với đội ngũ cán bộ tư pháp trẻ trung, năng động và luôn học hỏi, Sở Tư pháp TP.HCM đã có nhiều cách làm sáng tạo trong các mặt công tác, đặc biệt là trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và triển khai thí điểm chế định thừa phát lại (TPL). 
Tư pháp TP. Hồ Chí Mình nhiều sáng tạo
Ở nơi “nhiệt tình” với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật
Những năm qua, hàng loạt đề án tuyên truyền, PBGDPL đã được Sở Tư pháp TP. HCM triển khai hiệu quả. Với Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”, Sở phối hợp với Thành Đoàn TP.HCM xây dựng các tin, bài tuyên truyền pháp luật trên website Thành Đoàn và thực hiện 4 chương trình truyền hình thanh niên; tổ chức Hội thi “Thanh, thiếu niên với pháp luật” với sự tham gia của học sinh tại các trường phổ thông trung học, trung tâm giáo dục thường xuyên và cao đẳng trên địa bàn thành phố. Rồi đến Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức và nhân dân, Sở đã ban hành kế hoạch cụ thể về thực hiện chỉ đạo điểm Đề án trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân năm 2013. 
Bên cạnh việc tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật thành phố, quận, huyện..., Sở đã thực hiện phim ngắn “Như là tai họa” tham dự cuộc thi Tiểu phẩm pháp luật về phòng, chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức... 
Về “điểm nhấn” trong công tác tư pháp của TP.HCM năm qua, bà Ung Thị Xuân Hương - Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM khẳng định, năm 2013 là năm đầu tiên Luật PBGDPL có hiệu lực thi hành và còn là năm đầu tiên “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước, trong đó có TP.HCM. Giám đốc Sở Ung Thị Xuân Hương vẫn tự hào khi vào thời điểm đó, không khí hưởng ứng “Ngày Pháp luật” diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn ở thành phố với nhiều hình thức phong phú. 
“Điểm nhấn” công tác thừa phát lại
Về hoạt động của TPL, được xem là “điểm nhấn” của công tác xã hội hóa trong tiến trình cải cách tư pháp tại TP.HCM sau ba năm thí điểm, bà Ung Thị Xuân Hương cho biết: Thực tế, quá trình thí điểm TPL chỉ diễn ra trong hai năm nay (mất một năm để chuẩn bị, đào tạo đội ngũ TPL, thủ tục thành lập văn phòng...). Có thể nói, hai năm cho một tổ chức hành nghề ra đời mang tính xã hội và là lần đầu tiên thí điểm là khá ngắn ngủi. Tuy nhiên, có thể khẳng định việc triển khai thí điểm chế định TPL đã đi đúng chủ trương, định hướng; việc triển khai thực hiện đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan từ Trung ương đến địa phương…
Tín hiệu vui là hoạt động TPL đang dần đi vào lòng dân, được người dân tin cậy và ngày càng nhiều người biết đến. Nhiều vụ việc được người dân nhờ đến TPL lập vi bằng trước khi xảy ra tranh chấp. Thêm vào đó, Tòa án, THADS đã tin cậy giao phó cho TPL nhiều công việc như tống đạt, xác minh…
Được biết, đến nay các văn phòng TPL đã thực hiện tống đạt hơn 100 nghìn văn bản của Tòa án và các cơ quan THADS, đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp TP.HCM tổng cộng hơn 5 nghìn vi bằng, xác minh điều kiện  thi hành án theo yêu cầu của đương sự 147 vụ việc và trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự gần 30 vụ việc. Từ những kết quả khả quan mà TPL đạt được, đã đặt nền tảng và niềm tin vào khả năng nhân rộng mô hình này. 
Phổ biến giáo dục pháp luật, triển khai chế định TPL mới là 2 trong nhiều lĩnh vực công tác thu được nhiều kết quả khả quan của Tư pháp TP. HCM. Với cách làm tận tâm, sáng tạo, chắc chắn Tư pháp TP. HCM sẽ có thêm nhiều “điểm nhấn” trong năm đột phá chiến lược 2014 này.       

Đọc thêm