Tương trợ tư pháp về dân sự: Khó xác minh địa chỉ người phải thi hành án

(PLVN) - Tại Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể các nội dung liên quan tới tương trợ tư pháp (TTTP), qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan thi hành án dân sự (THADS) lập hồ sơ về TTTP trong THADS, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân. Tuy nhiên, từ thực tiễn hiện nay cho thấy còn một số vướng mắc, khó khăn trong công tác này.

Thực tế, người phải thi hành án là người nước ngoài, địa chỉ cư trú đã được ghi cụ thể trong bản án, họ đã chấp hành xong hình phạt tù và đã hồi hương về nước. Tuy nhiên, việc xác minh về nhân thân, tài sản của người phải thi hành án ở nước ngoài hiện nay thì cơ quan THADS không thể thực hiện được đối với nước không có Hiệp định TTTP với Việt Nam, nên không thể thực hiện việc yêu cầu TTTP về dân sự trong thi hành án theo quy định tại Điều 181 của Luật THADS. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định bổ sung vào Nghị định theo hướng đưa trường hợp này được xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành án.

Ngoài ra, Chấp hành viên cũng gặp nhiều khó khăn trong xác minh địa chỉ của người phải thi hành án. Nhiều trường hợp, chấp hành viên phải xác minh nhiều lần về địa chỉ cũng như nơi đến của người phải thi hành án tại nước ngoài nhưng rất khó khăn để tìm kiếm thông tin. Khi tiến hành xác minh, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chỉ cung cấp được thông tin về thời gian xuất cảnh của người phải thi hành án nhưng thông tin là đi đến nước nào và thời hạn cấp phép xuất cảnh là bao lâu quay về Việt Nam thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh lại không nắm giữ. Trong khi đó, địa chỉ mới của người phải thi hành án lại là thông tin then chốt để thực hiện việc ủy thác tư pháp hoặc gửi các giấy tờ liên quan qua bưu điện.

Mặt khác, thời gian thực hiện thủ tục hồ sơ ủy thác tư pháp và quá trình ủy thác tư pháp theo quy định hiện nay được cho là khá dài. Cụ thể, theo điểm b khoản 3 Điều 50, trường hợp kết quả ủy thác chưa đáp ứng theo nội dung đã yêu cầu hoặc sau 6 tháng, kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ nhất mà cơ quan THADS đã yêu cầu ủy thác tư pháp không nhận được thông báo về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì cơ quan THADS thực hiện ủy thác tư pháp lần thứ hai.

Theo điểm c khoản 3 Điều 50, trường hợp sau 3 tháng, kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai mà cơ quan THADS không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì cơ quan THADS căn cứ vào những tài liệu đã có để giải quyết việc thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS. Kể từ thời điểm này, nếu cần yêu cầu TTTP đối với cùng một đương sự trong cùng một việc thi hành án thì thời hạn quy định tại điểm b khoản 3 là 3 tháng; thời hạn quy định tại điểm c khoản 3 là 1 tháng.

Như vậy, thời gian thực hiện thủ tục hồ sơ ủy thác tư pháp cho đến khi có kết quả ủy thác tư pháp là hơn 6 tháng, chưa kể trong quá trình ủy thác vì lý nào đó, cơ quan nhận ủy thác không nhận được thì cơ quan ủy thác tư pháp phải thực hiện lại lần hai theo quy định và thời gian thực hiện lần hai là thêm 3 tháng, như vậy tổng thời gian thực hiện cả hai lần là khoảng 9 tháng. Thời hạn ủy thác tư pháp theo quy định hiện hành được cho là kéo dài, làm phát sinh nhiều chi phí liên quan tới ủy thác tư pháp, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của đương sự và ảnh hưởng tới tiến độ thi hành án.

Để khắc phục bất cập nêu trên, Tổng cục THADS dự kiến sửa đổi khoản 3 Điều 50 Nghị định 62/2015/NĐ-CP theo hướng: Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ủy thác mà nhận được đủ kết quả ủy thác tư pháp theo đúng nội dung yêu cầu thì cơ quan THADS thực hiện việc thi hành án theo quy định. Trường hợp không nhận được kết quả ủy thác tư pháp hoặc nhận được thông báo về việc ủy thác tư pháp không thực hiện được thì thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 43 Luật THADS. Quy định như vậy sẽ rút ngắn rất nhiều so với quy định hiện hành về thời hạn ủy thác tư pháp, đặc biệt là đối với trường hợp ủy thác tư pháp không có kết quả.

Tuy nhiên, đối với trường hợp “kết quả ủy thác tư pháp nhận được chưa đáp ứng theo nội dung đã yêu cầu” thì Tổng cục đề xuất tiếp tục ủy thác tư pháp lần 2 với thời hạn 3 tháng như quy định hiện hành. Bên cạnh đó, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như Vụ Pháp luật quốc tế cũng đề nghị quy định thêm một số nội dung liên quan như thế nào là vụ việc có yếu tố nước ngoài, trường hợp nào cần phải ủy thác tư pháp… tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

Đọc thêm