UBND cấp tỉnh: Cần bố trí nhân lực phù hợp làm công tác lý lịch tư pháp

(PLO) - Hiện nay, do yêu cầu của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp nhận nhân sự đều đòi hỏi phải có Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP), do đó việc xin cấp Phiếu ở nhiều địa phương tăng cao, trong khi ngành Tư pháp nói chung, cán bộ làm công tác LLTP nói riêng hầu như không được tăng biên chế, điều này tạo ra những khó khăn không nhỏ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Báo cáo công tác tư pháp 6 tháng đầu năm của Bộ Tư pháp cho biết, các Sở Tư pháp đã cấp được 263.122 Phiếu LLTP, tăng tới 28,3% so với cùng kỳ năm 2017; Trung tâm LLTP Quốc gia cấp 1.668 Phiếu LLTP, 100% số Phiếu được cấp đúng hoặc sớm hơn thời hạn theo quy định.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhìn nhận, tình trạng tồn đọng khá nhiều thông tin LLTP chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu đang là thách thức lớn, cần những giải pháp đột phá. Việc triển khai cấp Phiếu LLTP qua mạng trực tuyến đáp ứng mức độ 3 và 4 dịch vụ công trực tuyến chưa thực hiện được.

Một trong những nguyên nhân được Bộ Tư pháp chỉ ra là đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP tại các địa phương thiếu ổn định, còn hạn chế về chuyên môn, thiếu về số lượng. Đơn cử, Nghệ An là một tỉnh lớn, dân số đông, số lượng cấp Phiếu LLTP hàng năm rất lớn từ 15.000 đến 20.000 Phiếu nhưng số nhân sự bố trí thực hiện nhiệm vụ này quá ít so với yêu cầu. Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, chỉ đạo hoặc phối hợp tích cực để cho Sở thành lập Phòng LLTP để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

Còn theo phản ánh của UBND tỉnh Lào Cai, hiện tỉnh này còn tồn đọng một lượng lớn thông tin LLTP chưa xử lý; trong khi đó Sở Tư pháp chỉ bố trí được 01 người làm công tác LLTP kiêm nhiệm công tác bồi thường nhà nước. Do đó, tỉnh này đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh bố trí đủ người để thực hiện nhiệm vụ; trường hợp không tăng biên chế cần có chỉ đạo tỉnh cấp kinh phí thuê nhân công thực hiện.

Trước đề nghị của địa phương, Bộ Tư pháp lý giải: theo Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm LLTP Quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP” (Đề án 2369), Phòng LLTP chỉ được thành lập tại Sở Tư pháp 05 thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; các Sở Tư pháp khác sử dụng tổ chức hiện có của Sở là phòng Hành chính - Tư pháp.

Do đó, tại thời điểm hiện nay, chưa thành lập Phòng LLTP tại các Sở Tư pháp khác nói chung, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An nói riêng trong thời điểm hiện nay. Trước mắt, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục quan tâm đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc cũng như bố trí nhân lực phù hợp làm công tác LLTP.

Bên cạnh đó, cũng theo Quyết định số 2369/QĐ-TTg nói trên đã quy định cụ thể nhiệm vụ của UBND trong việc chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp xác định biên chế cần bổ sung, bố trí cho Phòng Hành chính tư pháp và Phòng LLTP thuộc Sở Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ quản lý LLTP. 

Ngoài ra, tại Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 09/3/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã yêu cầu Giám đốc Sở Tư pháp chủ động kiện toàn, bổ sung cán bộ làm công tác LLTP. Vì vậy, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Giám đốc các Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát biên chế công chức, viên chức hiện nay của Sở Tư pháp, trên cơ sở đó phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất cơ quan có thẩm quyền phân bổ, điều chỉnh số lượng biên chế công chức, viên chức trong tổng số biên chế được giao cho Sở Tư pháp bảo đảm triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP.

Trường hợp chưa có đủ biên chế, đề nghị Sở Tư pháp tự điều chuyển công chức, viên chức làm việc ở lĩnh vực khác sang làm công tác LLTP hoặc có thể xây dựng Đề án giải quyết số lượng tồn đọng, trong đó có dự toán kinh phí thuê hợp đồng lao động có thời hạn để xử lý thông tin tồn đọng của Sở Tư pháp.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng cho biết, hiện nay, theo Kế hoạch công tác năm 2018, Bộ Tư pháp  đang triển khai xây dựng Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP điện tử. Việc ban hành Đề án này làm cơ sở để xây dựng Phần mềm tự động hóa công tác xây dựng, quản  lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP.

Phần mềm này sẽ hỗ trợ cho các Sở Tư pháp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP một cách tối ưu nhất. Phần mềm này được triển khai, sẽ giải quyết được thực trạng thiếu cán bộ xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP tại các Sở Tư pháp như hiện nay, bảo đảm thông tin do các cơ quan có liên quan cung cấp cho Sở Tư pháp được tiếp nhận, xử lý, cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu LLTP, không còn tình trạng tồn đọng thông tin.

Đọc thêm