Ứng dụng công nghệ thông tin phải trở thành tiêu chí thi đua

(PLO) - Chiều qua (13/1), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin năm 2017. Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị trong, ngoài Bộ và đông đảo cán bộ, người lao động Cục Công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị.

Phải đồng lòng vào cuộc

Báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2011 – 2015 và năm 2016, Phó Cục trưởng Cục CNTT Tạ Thành Trung cho biết, việc triển khai, hoàn thành các hạng mục công việc của Cục đã bám sát và đúng tiến độ các kế hoạch đã được phê duyệt, nhiệm vụ được giao, hoạt động ứng dụng CNTT của Bộ được triển khai toàn diện trong các lĩnh vực.

Nổi bật trong công tác chỉ đạo điều hành qua môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành như hệ thống thông tin về lý lịch tư pháp; cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Việc cấp giấy khai sinh và số định danh cá nhân được triển khai thí điểm thành công tại một số địa phương đã mang lại kết quả thiết thực. 

Các hạng mục công việc đã hoàn thành tiếp tục góp phần tạo chuyển biến tích cực, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành. “Kết quả ứng dụng CNTT của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn vừa qua và năm 2016 đã được Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước - Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao” – ông Trung phấn khởi nói.

Tuy nhiên, theo phản ánh của Cục CNTT và các đại biểu tham dự Hội nghị, việc ứng dụng CNTT còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tỷ lệ văn bản, công văn, giao dịch được trao đổi dưới dạng điện tử còn thấp; hệ thống hội nghị truyền hình trong tập huấn, hội thảo chưa được khai thác, sử dụng nhiều… Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba dẫn chứng, chữ ký số đã bước đầu được triển khai nhưng đến nay vẫn chưa nhân rộng ứng dụng vào văn bản điện tử. “Bản thân Cục CNTT không thể làm hết được kế hoạch mà đòi hỏi các đơn vị phải cùng vào cuộc” – ông Ba quan niệm.

Giải pháp căn bản để nâng cao hiệu quả công việc

Trong giai đoạn tới, kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ, ngành Tư pháp đề ra nhiều mục tiêu từ bảo đảm 100% văn bản trình Lãnh đạo Bộ, 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc Bộ, ngành dưới dạng điện tử, ký số đến 100% các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của Bộ Tư pháp với đơn vị cơ sở được thực hiện qua hệ thống hội nghị truyền hình; hướng tới 100% các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Trung ương, địa phương ban hành được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết, với điều kiện kinh phí hiện nay sẽ ưu tiên hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp huyện trong Hệ thống Thi hành án dân sự.

Với mong muốn tăng hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị. Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết, địa phương rất hoan nghênh phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp và mong sớm hoàn thiện, triển khai phần mềm về quốc tịch. Cục trưởng Đồng Ngọc Ba gợi ý lấy kết quả ứng dụng CNTT làm tiêu chí thi đua để nâng tỷ lệ thực hiện việc ứng dụng hàng năm…

Chúc mừng các kết quả đạt được thời gian qua, Bộ trưởng Lê Thành Long biểu dương một số điểm nổi bật, trong đó thí điểm thành công phần mềm đăng ký khai sinh tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) và mở rộng ra 8 tỉnh. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, CNTT là giải pháp căn bản để bảo đảm hiệu quả công việc của Bộ, ngành Tư pháp nhưng theo Bộ trưởng, các đơn vị vẫn chưa quyết tâm triển khai ứng dụng CNTT, có đơn vị có nhiều lĩnh vực hoạt động liên quan đến người dân song gần như không có sáng kiến áp dụng CNTT vào công việc của mình.

Thời gian tới, Bộ trưởng đồng tình với phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn và yêu cầu Cục CNTT phối hợp nghiên cứu từ nay đến cuối năm có thể triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp huyện trong Hệ thống Thi hành án dân sự.

Bên cạnh đó, hai nhiệm vụ mới được giao cho các đơn vị liên quan cũng cần có phần mềm nhằm công khai hóa quá trình thẩm định dự thảo văn bản và quá trình xử lý, kiểm tra văn bản. Ngoài ra, Bộ trưởng nhất trí phải đưa tiêu chí ứng dụng CNTT làm tiêu chí thi đua và yêu cầu Cục CNTT đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ tích cực thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT đúng tiến độ đã đề ra.

Đọc thêm